KTĐT – Ngày 9/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì cuộc họp nghe Liên danh tư vấn PPJ báo cáo ý tưởng đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng.
Theo thuyết trình của Liên danh tư vấn, Thủ đô Hà Nội mở rộng được phát triển với ý tưởng có các đô thị vệ tinh, được kết nối bằng hệ thống giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn. Một số vùng nông nghiệp được gìn giữ, phát triển thành vùng nông nghiệp chất lượng cao… Tuy nhiên, đóng góp ý kiến cho đồ án, nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng các ý tưởng đưa ra đúng với định hướng nhiệm vụ nhưng thiếu cơ sở lý luận khoa học. Chẳng hạn, khái niệm hành lang xanh là như thế nào? Phân bố dân cư tại thành phố trung tâm, thành phố vệ tinh là bao nhiêu? Động lực phát triển là gì?…
TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, mật độ dân số nội thành hiện khoảng 11 nghìn đến 12 nghìn người/km2 là con số rất đáng lo ngại để hướng tới mô hình thành phố sống tốt.
Ông Huỳnh Đăng Hy, Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nêu, Hà Nội có Hồ Tây, được ví là viên ngọc, thế nhưng đồ án quy hoạch lại “dửng dưng”, không hề có ý tưởng khai thác nó. Tương tự, hệ thống giao thông vào thành phố hiện thuộc loại “độc đạo”, thường xuyên ách tắc nhưng cũng không được tư vấn quan tâm tìm cách giải quyết.
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội – Lã Thị Kim Ngân, việc đặt trung tâm hành chính phía Bắc sông Hồng hoặc khu vực giữa sông Tích và sông Đáy là không khả thi vì việc kết nối với các đô thị chức năng không hiệu quả. Bà Lã Thị Kim Ngân đề nghị tư vấn nghiên cứu phương án trung tâm hành chính đặt ở khu vực Từ Liêm, Hoài Đức và kết nối với trung tâm tài chính Tây Hồ Tây.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, nhiệm vụ thiết kế quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính là hành lang pháp lý, vì vậy khi đưa ra ý tưởng, tư vấn phải có lý giải khoa học, thuyết phục. Về tính chất và chức năng đô thị, nhiệm vụ thiết kế đã thống nhất Hà Nội là Thủ đô đa chức năng (kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, giao lưu quốc tế…). Liên quan đến đô thị trung tâm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đề nghị tư vấn nghiên cứu thêm quy hoạch Haidep (điều chỉnh quy hoạch chung Hà Nội cũ) trước đây và quy hoạch cơ bản sông Hồng hiện tại, là những đồ án được nghiên cứu kỳ công, bằng những phương pháp khoa học. Riêng trung tâm hành chính, phải là thực thể độc lập, nhưng cũng phải được định vị và có sự gắn kết với các thực thể khác. Để có được đồ án tốt nhất, tư vấn cần tranh thủ ý kiến của chuyên gia, cộng đồng ngay từ giai đoạn đầu. Đặc biệt, trước khi đưa ra ý tưởng, tư vấn nên nghiên cứu kỹ hiện trạng, trong đó vấn đề quan trọng nhất là rút ra những yếu kém, tồn tại để giải quyết. Mặt khác, tư vấn cũng phải đưa ra được dự báo đầy đủ, chính xác thời cơ và thách thức của thành phố.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, về mặt đô thị Hà Nội là đô thị đa tầng gồm đô thị cổ – cũ – đương đại và mới. Vì vậy cần làm rõ các tầng ấy và bảo tồn cái cổ, cái cũ như thế nào? đô thị đương đại có giữ không? Đặc biệt, bản sắc đô thị cần được làm rõ vì Hà Nội không chỉ có Thăng Long 1000 năm mà còn cả văn hóa “xứ Đoài”. Về mô hình, phải xác định được là đô thị vệ tinh, chuỗi đô thị hay thành phố vùng để từ đó có nguyên tắc cấu trúc, tổ chức không gian mạch lạc, rõ ràng. Đô thị vệ tinh phải được định vị, định tính, định lượng, định dạng. Tức là xác định chức năng tính chất, động lực phát triển, dự báo dân số, lợi thế… chứ không thể thích sao vẽ vậy.
Song Hà