Hanoinet – Đến thời điểm này, tổ công tác của UBND thành phố Hà Nội đã rà soát được 501 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và 1/500. Trong đó có 402 đồ án được cấp thẩm quyền phê duyệt với diện tích khoảng 40.271ha và dân số hơn 2,1 triệu người.
Tuy mới chỉ là rà soát bước đầu, song có thể thấy rõ sự mất cân đối của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn và các lĩnh vực đầu tư. Tổ công tác đang hoàn thiện đề xuất các tiêu chí để phân loại nhóm các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng được xem xét tiếp tục triển khai và nhóm đề nghị tạm dừng.
Quy hoạchthiếu tính bền vững
Do chưa có quy hoạch chung xây dựng cho từng vùng, liên vùng để điều chỉnh, hướng dẫn các quy hoạch vi mô nên nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tưnằm trong cùng một khu vực, địa bàn nhưng chưa có sự gắn kết, hỗ trợ hợp lý với nhau. Đặc biệt là sự kết nối, chia sẻ các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật khung như đường giao thông; cấp, thoát nước; xử lý rác thải, nước thải; cấp điện… Theo đánh giá của tổ công tác, đã và đang tiềm ẩn một tương lai phát triển không bền vững. Phần lớn các đồ án, dự án tập trung vào các huyện ven đô, dọc các trục đường giao thông quan trọng hoặc có quỹ đất lớn, chi phí bồi thường GPMB, giá đất thấp và một số thuận lợi mang tính đặc thù khác (như tại 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình trước khi sáp nhập). Số lượng các đồ án quy hoạch, các dự án được cấp có thẩm quyền cho chủ trương, phê duyệt, cấp phép đầu tư là khá lớn với tốc độ khá nhanh tại một số địa phương, khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn nửa đầu năm 2008.
Nhiều đồ án quy hoạch, dự án đầu tư sử dụng đất canh tác nông nghiệp làm mặt bằng nhưng chưa nghiên cứu kỹ các tác động trái chiều đối với người dân về các mặt kinh tế – xã hội và xác định các phương án xử lý bền vững, hiệu quả. Do vậy bước đầu đã tiềm ẩn các vấn đề bất ổn về an ninh nông thôn và tam nông phát sinh ngay từ giai đoạn thông báo cho nhân dân về kế hoạch, phương án hoặc khi bắt đầu thực hiện kiểm đếm, bồi thường GPMB phục vụ các dự án đầu tư. Đặc biệt là đối với các dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất trồng lúa với diện tích lớn tại những vùng còn khó khăn và chưa có phương án tạo việc làm mới thay thế một cách khả thi và thuyết phục.
Dư thừadự án bất động sản
Qua việc ra soát, tổ công tác đánh giá có sự mất cân đối trong việc phân bố các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn và các lĩnh vực đầu tư cụ thể theo các quy luật và nguyên lý phát triển kinh tế – xã hội. Cụ thể là có quá nhiều các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực bất động sản so với các lĩnh vực khác (chiếm 51% về số lượng các đồ án, dự án và 51,7% về tổng diện tích mặt bằng). Theo đánh giá của tổ công tác, nguyên nhân là do hầu hết các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư đều bắt đầu nghiên cứu, khảo sát vào năm 2007 – thời kỳ tình hình kinh tế – xã hội, thị trường tài chính, bất động sản trong nước và trên thế giới còn khá sáng sủa và thuận lợi. Tại thời điểm hiện nay, khi các điều kiện thuận lợi nêu trên không còn nữa thì đã phát sinh sự mất hài hòa, không hợp lý. Các nhà đầu tư rất khó có thể huy động đủ lượng vốn để giải ngân thực hiện một số lượng các dự án đầu tư lớn theo đúng tiến độ đã cam kết. Việc chậm tiến đô, thậm chí bỏ trống ở một số dự án đã có mặt bằng sạch đã gây bức xúc trong dư luận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, quy mô diện tích cũng như quy mô dân số theo quy hoạch của các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư các khu đô thị mới, khu nhà ở và các khu đa năng có nhà ở với tiến độ đầu tư trong khoảng từ năm 2008-2020 là khá lớn, với mức 41.319ha và hơn 2 triệu người. Trong khi đó, theo phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, dự báo đến năm 2030 quy mô dân số của Hà Nội chỉ ở mức khoảng 10 triệu dân. Tức là mức tăng đến năm 2030 chỉ là 3,7 triệu người so với dân số hiện nay là 6,3 triệu người. Do vậy, để đảm bảo sử dụng nguồn tài nguyên đất, đặc biệt là đất trồng lúa, rau quả năng suất cao một cách tiết kiệm, sử dụng vốn đầu tư an toàn và hiệu quả, tránh tình trạng dư thừa nhà ởdo cung vượt quá cầu, tổ công tác đề xuất cần phải dừng, hoãn; giảm, dãn tiến độ, chuyển công năng của một số dự án bất động sản chưa cần thiết phải đầu tư sớm.
Song Hà