Trang chủ » Rừng sản xuất của Lâm trường Hữu Lũng I : Khai thác đến đâu, mất đất đến đó

Rừng sản xuất của Lâm trường Hữu Lũng I : Khai thác đến đâu, mất đất đến đó

bởi Kien Truc - Kientruc.vn





Sau khi chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp (DN), diện tích rừng và đất rừng sản xuất của Lâm trường Hữu Lũng I thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đông Bắc đóng trên địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn giảm đi một nửa, vậy mà lâm trường (LT) vẫn không quản lý nổi, đất rừng ngày càng bị “lấn chiếm”. Nhất là từ 2005 đến nay, LT khai thác rừng sản xuất đến đâu đã bị người dân lấn chiếm đến đó; đội bảo vệ rừng ra tay ngăn cản thì bị bao vây cho đến khi phải tìm giải pháp nhượng bộ với dân, và hàng trăm ha đất rừng sau đó đã bị lấn chiếm(!); LT cũng đã thay đổi cơ chế khoán nhằm liên doanh với hộ dân mà vẫn chưa được người dân bắt tay hợp tác.



Đang vào thời vụ trồng rừng mới, nhưng khi chúng tôi đến LT (9h00, ngày 5/5/2009) thì ông giám đốc LT Hữu Lũng I – Nguyễn Văn Sỹ vẫn đang đi hiện trường không phải để chỉ đạo kế hoạch trồng rừng mà để giải quyết hậu quả của vụ tranh chấp đất rừng giữa LT với các hộ dân địa phương xẩy ra khá căng thẳng từ hồi đầu tháng tư đến nay vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu. Khi gặp ông GĐ được biết: Với trên 4.300 ha đất các loại đã được cấp sổ đỏ để quản lý khai thác thì đến nay, LT mới có trên 1.800 ha đất đã trồng rừng, diện tích đất còn lại là đất các loại chưa khai thác; đặc biệt hơn, từ khi chuyển đổi DN đến nay, LT đã có 373,71ha đất rừng bị hộ dân xâm lấn. Vụ lấn chiếm có tính phức tạp nhất xẩy ra từ ngày 1/10/2005 tại thôn Khuôn Giầu, xã Tân Thành . Tại đây, khi LT trường khai thác rừng sản xuất đến đâu, ngay sau đó người dân đến cuốc hố trồng cây đến đó với diện tích lấn chiếm 18,5 ha. Sự việc đã được LT và các cấp chính quyền địa phương tham gia giải quyết nhưng không dứt điểm. Đến ngày 2/4/2009, tình trạng lấn đất lại tái diễn tại thôn Đồng Cầy (Tân Thành) với mức độ và tính chất của sự việc lại phức tạp hơn. Khi người dân Đồng Cầy cuốc hố và trồng 2.450 cây bạch đàn trên đất LT vừa khai thác thì 9 nhân viên bảo vệ của LT đến ngăn chặn hành vi lấn chiếm này bằng hình thức nhổ cây đã trồng và xô xát với người dân. Ngay lập tức Đội bảo vệ và xe ô tô đã bị người dân địa phương bao vây, chặn xe và người bị giữ làm “con tin”. Lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở cũng đành tìm giải pháp tình thế để giải hòa. Đến 17 giờ cùng ngày, LT phải nhượng bộ bằng cách mua đủ cây giống đã nhổ và trả thêm 1.250.000đ tiền công trồng cho dân thì Đội bảo vệ và xe ô tô mới thoát được vòng vây. Cả hai vụ việc điển hình trên đều chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến còn nhiều tiềm ẩn về trật tự khu vực nhất là hành vi xâm lấn đất diễn ra như một tiền lệ.

Sau vụ việc kể trên, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Thông báo kết luận “…Việc quản lý đất của các lâm trường tại địa bàn huyện Hữu Lũng (4 lâm trường) trong nhiều năm thực tế chỉ quản lý trên bản đồ theo lô, khoảnh trong sổ sách. Chưa xác định ranh giới cụ thể được cắm mốc, lại có sự xen kẽ đất ở, đất sản xuất của tổ chức, đơn vị khác và của các hộ nông dân sinh sống trong vùng. Do vậy, trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã xẩy ra ngươì dân tranh chấp, lấn chiếm đất của các lâm trường… Trách nhiệm, bảo vệ đất rừng đã được Nhà nước giao trước hết là trách nhiệm của các lâm trường và phối hợp quản lý chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền cơ sở…”. Ông Hoàng Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nơi có trên 3.500 ha đất rừng của LT Hữu lũng I cho biết, nhiều nhà dân trong khu vực đất của LT không có đất rừng sản xuất. Dư luận của người dân xã Tân Thành cho rằng, nông dân đang thiếu đất rừng sản xuất thì nhiều hộ công nhân LT lại được “nhận khoán” từ 5 đến 7 ha đất để kinh doanh; giao đất không đúng quy định cho các hộ là cán bộ, công nhân thuộc LT… đã gây phản ứng nhiều chiều trong nhân dân. Ông Sỹ cũng thừa nhận việc một số hộ công nhân đã nhận khoán đất trồng rừng với diện tích lớn như vậy là có thực và do thế hệ GĐ trước đẻ lại, nay LT đang tiến hành giải quyết hợp lý đối với diện tích này. Một nguyên nhân chủ quan nữa là các vụ xâm lấn đất rừng đã xẩy ra đã không được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc xâm lấn đất trở thành tiền lệ.

Do diện tích đất đã giao cho LT khá lớn nên công tác quản lý và trồng rừng của LT trong những năm qua chưa chặt chẽ, thiếu nguồn lực đầu tư trồng rừng trên diện tích lớn như vậy, nên LT đã thực hiện quy chế khoán quản rừng theo mô hình khoán hộ ban hành từ tháng 5/2008, từ đó tìm đối tác là hộ gia đình để tham gia hợp đồng trồng rừng. Nhưng người dân không nặm mà tham gia nhận khoán hoặc rất ít hộ ký hợp đồng, như thôn Đồng Cầy chỉ có 17/50 hộ ký hợp đồng; trong số hộ đã ký hợp đồng lại có một số hộ chưa chịu nhận phân bón. Ông Sỹ cho rằng, mô hình ký hợp đồng đến từng hộ chỉ là là phương án 3 vì trên thực tế là khó thực hiện. Như vậy, quy chế khoán chưa thật sự hợp lòng dân.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu LT Hữu Lũng I khẩn trương, chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện Hữu Lũng thực hiện các thủ tục đo đặc, xác định cụ thể diện tích đất cần sử dụng cho sản xuất kinh doanh, diện tích đất không sử dụng giao lại cho địa phương theo quy định của pháp luật. LT xác định nguyên nhân các hộ dân lấn chiếm là do người dân trong vùng thật sự không có đất hay hay thiếu đất sản xuất; do cơ chế khoán của LT hay do bị các đối tượng khác kích động; làm rõ những đối tượng có hành vi cố tình vi phạm trong vụ việc lấn đất xẩy ra ngày 2/4 để có hình thức xử lý thích hợp, đảm bảo sự nghiêm minh pháp luật.

GĐ Lâm trường Hữu Lũng I cũng đưa ra một số giải pháp “đưa đẩy” như: Tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo phải cụ thể; huyện Hữu Lũng phải vào cuộc quyết liệt hơn; đưa diện tích đất đã lấn chiếm từ năm 2005 vào quản lý; thành lập tổ công tác giải quyết, phân loại đối tượng chống đối; phân loại rừng để ký hợp đồng theo mô hình liên kết nhóm hộ…

Banner

Có thể bạn cũng thích

Về KIẾN TRÚC.VN

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

©2006-2025. All Right Reserved. Designed and Developed by kientruc.vn.