Sáng 13-6, tiếp tục phần trả lời chất vấn các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trao đổi thêm về những vấn đề quan trọng liên quan đến nền kinh tế. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đặt câu hỏi: “Nên kỳ vọng như thế nào về vai trò của các tập đoàn kinh tế, của các tổng công ty khối DNNN với tư cách đầu tàu kinh tế”? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: Trong tình hình kinh tế hiện nay, vai trò của các DNNN đang phát huy tác dụng. Ví dụ như các tập đoàn xi măng, dầu khí, điện lực, bưu chính… đang có những đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của VN. Tuy nhiên, cũng không khỏi có khiếm khuyết, ngày càng phải hoàn thiện các DN này để mang lại hiệu quả lớn hơn. ĐB Phương Hữu Việt (Bắc Ninh) so sánh: Tại Mỹ, chỉ trong tháng 5-2009, đã có tới 7.516 DN phá sản; còn trong cả quý I/2009, nước Anh có 29.000 DN khai tử. Trong khi đó, qua trao đổi, chánh án TAND Tối cao cho biết số DN VN nộp đơn xin phá sản rất ít. “Bộ trưởng suy nghĩ như thế nào về việc này?” – ĐB Việt nói. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng trước tiên phải xem lại quy định về phá sản DN. Số DN “ma” chính là lượng DN mất đi do làm ăn không hiệu quả nhưng không thể tuyên bố phá sản. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, 34.800 DN đăng ký mới hoạt động, trong số này chỉ có 2.400 DN ngừng hoạt động (chứ không phải phá sản). Cả nước có 412.000 DN đang hoạt động theo Luật DN, trong số đó 345.000 DN đang nộp thuế, chiếm 83%. “Còn 17% mất đi là cao hay thấp? Ở một số nước, tỉ lệ ngừng hoạt động sau khi đăng ký thành lập sau 7 năm có khi lên đến 70%” – ông Phúc nói. Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Phạm Khôi Nguyên về tình trạng sân golf “nuốt” đất lúa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Lê Quốc Dung (Thái Bình) tiếp tục truy vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: “Ai vi phạm, ai chịu trách nhiệm, xử lý thế nào?”. Về vấn đề này, tại kỳ họp thứ 3, ĐB Dung đã từng chất vấn, Bộ trưởng Phúc khi đó đã hứa sẽ chấn chỉnh lại nhưng sau một năm, tình hình xấu thêm, số sân golf nhiều hơn (166 dự án). ĐB Dung đề nghị Bộ trưởng Phúc cung cấp danh sách các sân các golf đã nêu tại kỳ họp thứ 3 và số sân golf tiếp tục phát sinh tại kỳ họp này và cả kỳ họp sau để “theo dõi, giám sát đến cùng”. Bộ trưởng Phúc cho rằng bộ đã thực hiện xong lời hứa, cụ thể là đã tổng rà soát và làm quy hoạch, ngay sau đó, Thủ tướng đã ra quyết định đình chỉ việc cấp phép các sân golf. Tuy nhiên, thời gian sau này, một số địa phương đã nhanh tay cấp thêm giấy phép cho vài dự án. Ông Phúc cho rằng trước đây thủ tục được đầu tư sân golf rất chặt chẽ, từ khi phân cấp thì có lỏng lẻo, địa phương triển khai ồ ạt. “Trách nhiệm chính thuộc về người cấp đất” – ông Phúc chỉ rõ. Theo phân cấp, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành là người nắm thẩm quyền này. Không lấy đất của Moncada làm sân golf Trước thông tin dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (Ba Vì) làm thu hẹp diện tích của Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Moncada, ngày 13-6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã có buổi làm việc với đại diện Bộ NN – PTNT, Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN, các sở, ngành liên quan tại trụ sở UBND huyện Ba Vì. Sau khi đi khảo sát dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên và nghe ý kiến của các bên liên quan, ông Phạm Quang Nghị khẳng định: Không lấy đất của Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Moncada làm dự án. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng lưu ý địa điểm của dự án ở vị trí rất đặc biệt về môi trường, khu vực này hiện nay chưa có bàn tay tác động của con người, cảnh quan đã đẹp khi có bàn tay con người phải đẹp hơn, chất lượng hơn, đặc biệt là về môi trường, không được làm hỏng môi trường ở đây. Trước đó, ngày 29-11-2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần dầu khí Tản Viên để làm khu du lịch quốc tế, trong đó có một phần đất “đụng” vào trung tâm nói trên. (Theo NLĐ) |
Sân golf tràn lan là do… người cấp đất
44
Bài trước