Sinh viên lao đao tìm nhà trọ










Đầu tháng 9, mùa sinh viên đại học tựu trường cũng là mùa tìm nhà trọ ở Hà Nội lên cơn “sốt”. Giá nhà luôn cao ngất ngưởng mà vẫn khó tìm là một thực tế hiện nay.



Nỗi ám ảnh nhà trọ đã khiến cho cuộc sống của sinh viên
ngoại tỉnh ở Hà Nội ngày càng khó khăn hơn.







Nằm ở tít tận làng Nghĩa Đô, Q.Cầu Giấy, nơi không tập trung đông các trường đại học lớn ở Hà Nội, nhưng khu nhà trọ của vợ chồng bà Đinh Thị Vân lúc nào cũng kín chỗ. Mảnh đất 200m2 được bà Vân xây thành nhiều dãy phòng trọ, mỗi phòng rộng chừng 10m2, dãy nọ nhìn sang dãy kia, công trình phụ dùng chung. Bà Vân cho biết, từ ngày xây xong nhà trọ, chưa lúc nào có phòng để trống. Nhất là vào thời điểm hiện nay, sinh viên đại học từ các tỉnh về Hà Nội nhập học đông, ngày nào cũng có người đến hỏi. Tranh thủ lúc này, bà Vân đã nâng giá từ 600 lên 700 nghìn đ/phòng, nhưng vẫn không có phòng cho thuê.



Nếu như các chủ nhà trọ như bà Vân phấn khởi vì nhà trọ đắt khách, được giá bao nhiêu thì những sinh viên đi tìm nhà lại lo bấy nhiêu. Chị Nguyễn Kim Ngân ở TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) có con gái đỗ vào trường ĐH Ngoại thương không giấu nổi nỗi lo lắng: “Từ khi biết tin cháu đỗ đại học, tôi đã nhờ người quen tìm giúp một căn phòng để cháu ở khi nhập học, thế mà đến giờ vẫn chưa tìm được. Đã mấy lần đặt tiền rồi, nhưng nhiều người thuê quá, chủ nhà lại trả lại tiền cho người khác thuê. Trước mắt phải cho cháu đến ở nhờ nhà người quen”.



Tình trạng khi đi tìm nhà trọ cho con như chị Ngân là khó khăn phổ biến của các tân sinh viên hiện nay. Không chỉ thiếu phòng trọ mà giá phòng cũng tăng giá một cách chóng mặt. Các chủ nhà trọ đã nắm được điểm yếu là “cầu vượt quá cung”, sinh viên không thuê thì không có chỗ ở nên đã nâng giá, chèn ép. Năm ngoái, mỗi phòng trọ khoảng 10m2 có giá từ 400 – 500 nghìn đồng tùy nơi thì năm nay, hầu hết đều đã tăng lên từ 100 – 200 nghìn đồng. Đối với những phòng lịch sự hơn, lát đá hoa hoặc có vệ sinh khép kín giá có thể lên tới trên 1 triệu đồng. Mức giá này những sinh viên có bố mẹ khá giả còn khó khăn, huống hồ những sinh viên có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp. Trần Vân Khánh, quê Hải Dương, sinh viên vừa nhập học ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: “Em đã làm đơn xin ở ký túc xá (KTX) nhưng không được đành phải đi thuê ngoài. Bố mẹ em ở nhà làm ruộng, một năm chỉ có hai vụ lúa, tiền đóng học, sinh hoạt đã rất khó khăn, giờ tiền thuê nhà lại hết 400 nghìn /tháng. Bố mẹ em phải vay lãi cho em đi học”.



Theo khảo sát, mỗi năm, Hà Nội tiếp nhận thêm hàng chục nghìn sinh viên về nhập học tại các trường ĐH, CĐ. Kéo theo đó là sự thiếu hụt trầm trọng về nhà ở cho sinh viên. Nhiều trường không có KTX, hoặc nếu có thì cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với nhu cầu ở của sinh viên. Đơn cử như P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy có 6 trường ĐH thì chỉ 3 trường có KTX, mà mỗi trường cũng chỉ đáp ứng đủ cho 1/3 sinh viên; hay KTX Mễ Trì, Q.Thanh Xuân mặc dù đã được xây dựng thêm nhưng vẫn thiếu. Do vậy, chỉ những sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em gia đình chính sách mới được ở KTX. Nỗi ám ảnh nhà trọ đã khiến cho cuộc sống của sinh viên ngoại tỉnh ở Hà Nội ngày càng khó khăn hơn. Mơ ước được ở trong KTX vẫn là một giấc mơ xa vời.



“Em rất vui khi biết chương trình nhà ở cho sinh viên đang được Chính phủ và Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai trên tất cả các địa phương cả nước. Em mong sớm được ở trong những căn nhà như vậy để có thể yên tâm học tập, không phải chịu áp lực đi tìm nhà trọ”, sinh viên Trần Quang Thông, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tâm sự. Mong ước của Thông cũng là nguyện vọng của rất nhiều tân sinh viên hiện nay.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *