KTĐT – UBND TP Hà Nội vừa chỉ đạo các Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Công nghiệp… sớm hoàn chỉnh để trình thành phố ban hành Quy chế di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực đô thị. Tinh thần của quy chế này được xây dựng theo hướng giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nằm trong danh mục phải di dời và tạo điều kiện cho các đơn vị đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất.
Được biết, Dự thảo Quy chế sẽ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sang thực hiện dự án đầu tư xây dựng các cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng có mục đích kinh doanh thuộc lĩnh vực xã hội hóa hoặc thực hiện dự án phát triển kinh tế (xây dựng văn phòng, nhà ở cho thuê, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ, bãi đỗ xe có thu tiền…). Đơn vị di dời cũng được phép liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư khác hình thành pháp nhân mới làm chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch. UBND TP hỗ trợ việc thuê trụ sở, nhà xưởng, nhà làm việc, kho tàng trạm trung chuyển; hỗ trợ do ngừng sản xuất; trợ cấp cho người lao động; thưởng tiến độ di dời, bố trí địa điểm di dời đến, miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất tại nơi di chuyển đến, hỗ trợ lãi vay ngân hàng, hỗ trợ xây dựng nhà ở công nhân, hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng và nâng cao tay nghề cho số lao động mới tại nơi chuyển đến.
Trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng các cơ sở cung ứng dịch vụ công cộng có mục đích kinh doanh thuộc lĩnh vực xã hội hóa hoạt động giáo dục – đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục-thể thao, khoa học-công nghệ, môi trường, dịch vụ xã hội thì được miễn trừ tiền sử dụng đất, miễn tiền thuê đất (trừ diện tích đất làm nơi bán hàng hóa, làm khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng). Trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế thì được lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hàng năm hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất 2 năm.
Hiện nay tại khu vực đô thị và khu dân cư của Hà Nội có 422 cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động. Việc tồn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội thành là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí, nước, tiếng ồn. Mặt khác, với việc sử dụng số lượng lớn lao động ở các doanh nghiệp này cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông khu vực nội đô.
Từ năm 2003, Hà Nội đã triển khai việc di dời các cơ sở sản xuất không còn phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành tới các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch và xây dựng với yêu cầu đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, tiến độ di dời vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ chế, chính sách còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, chưa khuyến khích các doanh nghiệp di dời.
B.Châu