Sớm giải quyết những xóm lều bán trú ở huyện Mường Lát





Vượt lên cảnh nghèo, đường sá đi lại xa xôi, học sinh huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) dựng lều bán trú theo học con chữ. Nữ sinh dân tộc Mông giờ được đến lớp đến trường ngày một nhiều. Dù vậy, nhiều vấn đề xã hội không thuận chiều cũng nảy sinh ở xóm lều trọ học.



Một góc làng sinh viên ở thị trấn Pom Puôi.


Vàng Thị Ly, học sinh lớp 11, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Lát tiếp chuyện tôi trong gian nhà lán dựng bằng tranh tre, nứa lá. Sinh ra trong một gia đình nông dân dân tộc Mông đông con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn nhưng Vàng Thị Ly luôn khát khao được đến lớp, đến trường.


Năm lên lớp 6, Ly theo các anh đồng tộc mang sách vở, quần áo tư trang lên phố huyện dựng liều làm nơi ở tạm, theo đuổi con đường học vấn. Nhà nghèo, bố chẳng may gặp bạo bệnh mất sớm nên buổi đi học, buổi Ly phát dọn thực bì, khai hoang phục hoá mảnh nương sau trường để tỉa ngô, trồng lúa. Sản phẩm thu được ngoài đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày, tết vừa qua Ly còn hỗ trợ gia đình lương thực, mua sắm quần áo cho những người thân trong gia đình.


Theo Ly, nữ con em đồng bào Mông ít được học hành đến nơi đến chốn nên em quyết tâm học hết phổ thông, thi vào các trường chuyên nghiệp. Ly hy vọng sẽ trúng tuyển ngành y để sau này hành nghề trị bệnh cứu người. Đó cũng là mong muốn của đấng sinh thành trước lúc nhắm mắt xuôi tay và trở thành niềm động viên tinh thần to lớn cùng Ly nỗ lực vượt khó, biến ước mơ thành hiện thực.


 
Giờ học ở xóm lều bán trú của học sinh trường THPT Mường Lát.


Không riêng gì Ly, vượt khó đi học con chữ là việc làm đang từng ngày, từng giờ diễn ra trong số đông học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mường Lát. Là huyện vùng cao biên giới, dân sinh cư trú phân tán, giao thông đi lại khó khăn, ngoài những lớp đầu cấp được đưa về thôn, bản, phần lớn học sinh trong huyện theo học THCS, THPT sớm phải xa gia đình trọ học, hoặc dựng lều bán trú.


 
Xóm lều bán trú của học sinh xã Trung Lý.


Đi từ Trung Lý, Nhi Sơn đến Pom Puôi, Mường Lý, bên các tuyến đường liên huyện, liên xã dễ có tới hàng trăm lều lán dựng bên đường, trên các triền dốc. Ngoài yếu tố tích cực, các khu xóm lều bán trú bị tác động bởi những vấn đề xã hội phức tạp, dễ phát sinh những quan hệ bất thường.


Trong những ngôi lều lán tranh tre, nứa lá, nam nữ ở lẫn lộn, tục ngủ thăm vẫn diễn ra; nguy cơ chập, nhiễm điện, cháy nổ dễ thấy mà khó lường. Tại xã Mường Lý, nơi có tới 58 nóc lều bán trú gần đây đã xảy ra hai cái chết thương tâm. Đó là em Giàng A Hồ, học sinh lớp 6 B xuống sông Mã tắm, lấy nước về sinh hoạt bị chết đuối mãi bốn ngày sau mới tìm thấy xác.


Tiếp đến là Giàng A Mịn, học sinh lớp 7B, trường THCS Mường Lý đổ cơn đau ruột thừa lúc nửa đêm. Xã chưa có đường ô tô đến trung tâm, Mịn đã mất trên đường đưa tới bệnh viện huyện. Thêm vào đó, qua theo dõi của cơ sở y tế, tỷ lệ nạo nút thai trong thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn huyện gia tăng. Phần lớn các trường hợp áp dụng biện pháp truyền thống hoặc tìm đến dịch vụ y tế tư nhân, khi xảy ra tai biến mới được đưa đến Bệnh viện chữa trị.


Theo Ban quản lý làng học viên ở thị trấn Pom Puôi: Do việc xây dựng khu ký túc xá học sinh dở dang, không có tường rào, lực lượng quản lý, bảo vệ mỏng nên tình hình an ninh trong khu ký túc còn nhiều bất cập. Thanh niên bên ngoài vào chơi khuya, gây rối, thậm chí có đối tượng vào tận phòng ở của học sinh để chích hút.


Tiếp xúc với học sinh ở các khu lều tạm chúng tôi còn được biết: Nhiều học sinh nghèo, bán trú cho đến thời điểm này chưa nhận được tiền hỗ trợ theo Quyết định 112/ 2007/QĐ-TTg, mức 140 nghìn đồng/học sinh/tháng trong thời gian 9 tháng của năm học này.


Em Sùng A Hòa, học sinh lớp 8, trường THCS Trung Lý phàn nàn: Gia đình có sổ hộ nghèo, em trai em là Sùng A Pùng đang học mần non vẫn nhận được mức hỗ trợ 70 nghìn đồng/tháng nhưng năm học này em không nhận được khoản tiền hỗ trợ học sinh nghèo, bán trú ở các xã đặc biệt khó khăn.


Cùng cảnh còn có nhiều học sinh như Sùng A Lè, ở bản Ma Hát, hiện là học sinh lớp 7 trường THCS Trung Lý; Sùng Văn Ly, Thao Văn Dính, Thao Văn Pó ở bản Kéo Hượn và Kéo Té xã Pù Nhi hiện theo học lớp 10 trường THPT Mường Lát cũng chưa nhận được tiền hỗ trợ học sinh nghèo, bán trú.


 
Cửa sổ nhìn ra thế giới của học sinh vùng cao Mường Lát.


Theo lãnh đạo huyện và Phòng giáo dục huyện Mường Lát: Năm 2008 tỉnh tạm cấp cho Mường Lát hơn 4 tỷ đồng hỗ trợ học sinh nghèo, bán trú nhưng huyện không cấp phát hết tiền vì có em sai họ, thiếu tên, hoặc có thể là con hộ nghèo nhưng vì lý do nào đó không có sổ. Riêng khu ký túc xá sinh viên được tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ 4,6 tỷ đồng để xây dựng làng học sinh nhưng đến giờ nhiều phần việc còn dở dang do huyện không lo được nguồn vốn đối ứng.


Mới đây Công ty Viễn thông quân đội Viettel hỗ trợ Mường Lát 2 tỷ đồng để hoàn tất các hạng mục công trình và khoản tiền này mới đến Kho bạc huyện. Thêm vào đó, các khu bán trú tại xã Trung Lý, Mường Lý đến thời điểm này đang ở giai đoạn kiến nghị đầu tư hoặc đưa vào danh mục đầu tư. Thành thử, dễ phải vài năm, thậm chí lâu hơn nữa huyện Mường Lát mới có thể giải quyết dứt điểm tình trạng học sinh ở những khu lều lán tạm bợ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *