Hanoinet – Nước sông Hồng thời gian qua đã cạn trơ đáy, từng doi cát nổi lên giữa lòng sông có thể lội từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nước sông Hồng cạn khiến hoạt động của tàu thuyền bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, sông Hồng còn là nguồn nước tưới cho diện tích trồng trọt rất lớn. Những ngày qua, người dân nhiều nơi đang rơi vào tình cảnh như có lửa đốt, lúa đến kỳ trỗ bông mà nghẹn đòng vì không có nước tưới.
Cây trồng thiếu nước
Lúa đang rất cần nước để trỗ đòng |
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho biết, khoảng 40.000 ha trong tổng số 500.000 ha lúa Đông Xuân ở miền Bắc đang gặp khó khăn về nước tưới do nhiều ngày qua, nhiều nơi không có mưa hoặc có mưa nhưng không đáng kể, kéo theo mực nước các sông cũng xuống thấp. Trong đó, 3 địa phương bị hạn nặng là Hà Nội, Phú Thọ và Ninh Bình. Ông Nguyễn Duy Hồng – Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết: “Hầu hết diện tích lúa Đông Xuân đang chuyển sang giai đoạn đứng cái làm đòng, trong điều kiện thiếu nước tưới chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất. Nếu thửa ruộng để khô trắng đất còn ảnh hưởng nặng nề hơn, lúa sẽ bị nghẽn đòng hoặc trổ bông lép”.
Theo ông Nguyễn Duy Hồng, đây là giai đoạn quyết định đến năng suất của cả vụ, nếu trong thời gian tới, thời tiết nắng nóng, không mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa. Ngoài 3 địa phương trên, tại miền Bắc còn nhiều địa phương như: Mường Khương, Bắc Hà, Simacai (Lào Cai), Chi Lăng (Lạng Sơn)… cũng đang hạn nặng do 2 – 3 tháng nay lượng mưa nhỏ, không đủ cung cấp nước tưới cho cây trồng.
Thời tiết những ngày qua ít mưa, lượng mưa nhỏ khiến mực nước các sông đều xuống thấp. Nước sông Hồng cạn trơ đến đáy nên nhánh sông Đáy chảy qua địa phận các tỉnh, thành từ Hà Nội – Ninh Bình cũng cạn, các trạm bơm đặt dọc sông Đáy không thể bơm được nước vào nội đồng. Một số huyện Phúc Thọ, Sơn Tây… nguồn nước tưới phụ thuộc rất nhiều vào sông Đáy, do đó, trong vài tháng qua, tình trạng thiếu nước tưới đã xảy ra.
Theo giải thích, sở dĩ mực nước sông Hồng xuống quá thấp là do vừa qua, các địa phương đều bị thiếu nước tưới nên đã phải lấy nước từ sông Hồng. Trong khi đó, lượng nước từ thượng nguồn chảy về không đủ bù đắp lượng nước bị mất, lượng mưa lại nhỏ làm cho dòng sông khô cạn. Theo ông Đặng Duy Hiển – Phó trưởng Phòng Thủy lợi (Cục Thủy lợi), còn một nguyên nhân khác dẫn đến mực nước sông Hồng xuống thấp là trong tháng 3-2009, đỉnh thủy triều tại các cửa sông nhánh của sông Hồng quá thấp so với trung bình nhiều năm nên nước sông Hồng không giữ lại được.
Sông Hồng ngày một cạn
Song, Sông Hồng lại đang cạn trơ đáy |
Theo ông Nguyễn Thế Vinh – Trưởng phòng Quản lý nước, Công ty Khai thác công trình thủy lợi Mê Linh (Mê Linh), công ty đang phục vụ việc tưới tiêu cho khoảng hơn 8.000 ha song hầu hết, ruộng đất không bằng phẳng nên việc tưới tiêu rất khó khăn. Trong khi đó, mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp trong các năm trở lại đây. “Hiện tại bể hút Trạm bơm Thanh Điềm xuống đến cốt 2. Các năm trước chưa bao giờ xuống đến cốt 2,6” – ông Vinh nhấn mạnh. Ông Vinh cho biết thêm:
“Theo thiết kế, trạm bơm Thanh Điềm cao độ mực nước phải duy trì ở mức 3,5 – 4 mét. Cả tháng qua, công ty đã sử dụng 6 máy dã chiến để bơm nước từ sông Hồng vào nội đồng nhưng cũng lúc được lúc không, do một mặt máy móc cũ kỹ, đầu tư từ những năm 1963 chưa được nâng cấp, mặt khác mực nước sông xuống quá thấp”. Đồng tình với nhận định này, nhiều chuyên gia cũng đánh giá, những năm qua, mực nước sông Hồng ngày một xuống thấp cả về mùa mưa lũ và mùa khô hạn.
Một chuyên gia trong ngành thủy lợi cho rằng, hiện nay nước sông Hồng xuống quá thấp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công trình thủy lợi. Do vậy, đã đến lúc, chúng ta phải đưa ra bài toán cải tạo, hạ thấp đường ống lấy nước của các trạm bơm xuống thấp hơn. Song, để làm được việc này, lượng kinh phí không nhỏ.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phúc Thọ, mực nước sông Hồng đang ở mức thấp, trong khi đó kênh dẫn nước vào cụm công trình đầu mối sông Đáy trên địa bàn huyện đang trong quá trình thi công, vì vậy hàng chục trạm bơm chống hạn của huyện không thể hoạt động được, đồng nghĩa với việc thiếu nước tưới trầm trọng. Các máy bơm đặt dọc sông Đáy cũng treo vài tháng nay vì mực nước sông quá cạn so với thiết kế trạm bơm.
Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trong thời gian tới, mặc dù vẫn tiếp tục không có mưa song mực nước trên sông Hồng sẽ nhích lên khoảng 2m do các hồ thủy điện sẽ tăng lượng xả để đảm bảo đủ điện năng cho mùa hè. Bà Nguyễn Lan Châu – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết: “Thời gian qua, mặc dù miền Bắc đã có mưa nhỏ song không đủ để cung cấp lượng nước cho các địa phương tưới lúa Đông Xuân mà chủ yếu vẫn trông chờ vào lượng nước của các nhà máy thủy điện”.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho biết, để đảm bảo đủ nước tưới, Bộ sẽ tăng cường làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam lên kế hoạch xả nước tại 3 hồ thủy điện là Tuyên Quang, Thác Bà và Hòa Bình nhằm đảm bảo đủ nước cho hạ du, theo đó mực nước sông Hồng vào tháng 4-2009 có thể tăng lên trở lại ở mức thấp nhất là 1,6 – 1,8m.
Theo ANTĐ