Sau 60 năm, lần đầu tiên nước sông Hồng rơi xuống thấp kỉ lục dưới 0,6m đã gây khó khăn cho hàng vạn người dân sống dựa vào con sông này. Đợt cạn lịch sử trong nhiều tháng nay khiến hàng trăm hộ buôn gốm sứ bên bãi sông Hồng rơi vào cảnh khốn khó. Đìu hiu bãi gốm… trong những ngày cuối năm Âm lịch, cùng với đào, quất thì gốm sứ là những mặt hàng được quan tâm chuẩn bị nhiều hơn cả. Song trái với dự đoán của nhiều người, không khí buôn bán ở đây không náo nhiệt hơn ngày thường là bao.
Cứ vào đầu tháng Chạp hằng năm, hoạt động buôn bán các đồ gốm sứ ở bãi Tứ Liên vô cùng tấp nập. Hàng gốm sứ lấy từ làng Bát tràng, được chuyên chở bằng đường sông lên tập kết ở bãi sông này. Năm nay, do mực nước sông Hồng xuống dưới mức 0,6m nên tất cả thuyền buôn ở bến Tứ Liên đều nằm bất động tại bãi, không thể xuôi sông Hồng để xuống Bát tràng. Thay vào đó, người buôn gốm phải dùng xe máy để chuyên hàng. Tuy nhiên do đồ gốm sứ cồng kềnh nên lượng hàng chở được mỗi lần không đáng là bao. “Chúng tôi không dám chở cồng kềnh, thậm chí mỗi lần chỉ mua được vài món vì nhiều chở đi sẽ dễ vỡ. Đã vậy còn phải chọn thời điểm như buổi trưa, tối muộn mới dám từ Bát tràng chở hàng về. Lén lút như ăn trộm ấy vì nếu ban ngày vào phố rất dễ bị tắc đường hoặc bị CSGT giữ lại”, anh Nguyễn Văn Minh tâm sự. Anh Minh cũng cho biết thêm, mỗi chuyến về Bát tràng mất 20 nghìn tiền xăng, nếu bán được hàng thì còn chút lãi không thì âm vào vốn là chuyện bình thường. Giá xăng liên tục biến động, giảm thì ít mà tăng thì nhiều cũng khiến người buôn gốm hết sức lo lắng. “Khó khăn nhưng vẫn quyết sống chết với nghề” Anh Hùng là một trong những chủ tàu buôn gốm có tiếng ở khu vực này cũng tỏ ra lo lắng khi nói về tình hình buôn bán năm nay. Nếu như năm trước, vợ chồng anh lãi hơn 50 triệu để về quê sắm Tết thì năm nay anh vẫn chưa thu được đồng lãi nào. Nhiều hộ kinh doanh khác rơi vào cảnh nợ nần, hàng hóa lấy nhiều nhưng không bán được thậm chí còn đối mặt với một cái Tết không bánh chưng, không kẹo mứt.
Nhiều chủ tàu còn phải bán máy tàu lấy vốn nhưng cũng không đủ trả nợ. “Một bộ máy tàu lúc mua 5 triệu, giờ bán chỉ còn 7-8 trăm nghìn. Biết là lỗ nhưng vẫn phải nhắm mắt mà bán”. Thậm chí chủ tàu không tháo máy nhanh thì phần đuôi tàu nặng bị đè trên cát sẽ làm nứt thân tàu. Không ít chủ tàu ở bãi trên đành phải ngậm ngùi nhìn con tàu gia đình mình đã gắn bó nhiều năm nay phải nằm trơ trọi trên mặt cát sông Hồng. Thân tàu đã xuất hiện nhiều vết nứt không có hy vọng sửa chữa được.
Nhiều người buôn gốm cũng cùng nhận xét: “Hàng chục năm buôn bán trên quãng sông này, đây là lần đầu tiên chúng tôi thấy nước sông Hồng cạn đến thế”. Người lạc quan cũng chỉ biết: “chờ nước lên thôi chứ biết làm sao. Nếu năm sau thời tiết vẫn thế này chắc chúng tôi sẽ phải bỏ nghề hết”.
Hơn 70 hộ buôn gốm ở bãi Tứ Liên đều đến từ làng Thọ Lão, xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh phúc), đến bến sông này được hơn 20 năm. Như gia đình anh Hùng, có tới 3 thế hệ mưu sinh trên đoạn sông này. Từ thời ông nội rồi đời bố và giờ đây anh Hùng cũng theo nghiệp gia đình sống dựa vào nghề buôn gốm. trước những khó khăn mà gia đình đang đối mặt, anh Hùng vẫn lạc quan: “Tôi sẽ theo nghề này đến cùng. Chỉ khi nào không thể buôn bán được nữa tôi mới chịu bỏ nghề. Đường sông khó thì tôi chở bằng xe máy dù rằng không thuận lợi bằng”. |
Sông Hồng trơ đáy kỷ lục, người buôn gốm “khóc ròng”
1