Theo số liệu thống kê của Bộ LĐTB&XH đưa ra tại buổi công bố Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động và phòng cháy nổ lần thứ 12 (sẽ diễn ra từ 14-23/3 tại tỉnh Thái Nguyên), số vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người trong ngành Xây dựng là nhiều nhất, chiếm hơn 51,11% tổng số vụ. Tình trạng này cho thấy các vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng liên tục tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn, có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội, Tp.HCM. Tại công trình xây dựng Keangnam, chỉ trong vòng 8 tháng đã có 6 vụ tai nạn nghiêm trọng gây chết người. Ở nhiều công trình khác, các vụ tai nạn chết người cũng liên tiếp xảy ra như: Cao ốc trên phố trần Quang Khải (Q.Hoàn Kiếm), tòa nhà 173 Xuân Thuỷ (Q.Cầu Giấy)… trong đó, có khá nhiều vụ là do công nhân xây dựng rơi từ tầng cao xuống. Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, phó ban Thanh tra an toàn lao động, Sở LĐTB&XH Hà Nội, thì các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu là do cả công nhân và người sử dụng lao động. trong quá trình kiểm tra, các lỗi vi phạm phổ biến được phát hiện là người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ thiết bị an toàn, không huấn luyện và khám sức khỏe cho công nhân, không ký hợp đồng lao động… Các thiết bị an toàn lao động có trang bị song vẫn theo hình thức, không được nghiệm thu; nhiều giàn giáo tại các công trình lớn chỉ làm theo tính toán và công tác nghiệm thu, thử tải theo quy định hầu như không có. Nhất là hiện nay, tình trạng “bán thầu” khá phổ biến, thậm chí có nhiều công trình được “bán”, giao nhiều lần và người thực hiện cuối cùng có khi không cần tiền, bằng cấp, tư cách pháp nhân, chỉ cần trong tay có vài thợ cũng dễ dàng trở thành ông chủ xây dựng. Về phía người lao động cũng mắc nhiều lỗi như không sử dụng dây an toàn hoặc không móc dây vào điểm cố định, không theo dõi những quy trình bắt buộc. Đặc biệt, rất nhiều công trình thi công không có lưới rào chắn, công nhân không đeo dây bảo hiểm khi thao tác trên tầng cao. Như ở tòa nhà Landmark Tower (do tập đoàn Keangnam làm chủ đầu tư) những tấm lưới chắn phủ chỉ lác đác một số tầng. trong khi đó, theo quy định, khu vực xây dựng phải bao phủ bằng lưới để chống ô nhiễm môi trường, bảo vệ thiết bị rơi xuống, đặc biệt, sẽ giảm thương vong khi tai nạn lao động xảy ra, nhưng rất nhiều công trình chỉ lắp vài tấm lưới “chiếu lệ”. Theo nhận định của nhiều tư vấn giám sát, vấn đề nổi cộm hiện nay là lao động lành nghề trong ngành Xây dựng rất hiếm, phần lớn là lao động phổ thông theo thời vụ. Mặt khác, do Nhà nước không quy định rõ kinh phí an toàn lao động nên các nhà thầu thường cắt giảm chi phí đầu tư các thiết bị an toàn thay vì bớt xén vật liệu. trong khi đó, ở các nước thường quy định kinh phí ATLĐ chiếm 1-3% chi phí công trình.
|
Tai nạn lao động ngành Xây dựng: Nhà thầu và người lao động cùng mắc lỗi
0
Bài trước