Bài II: Chuyện đền “dân”, đền “quan” Qua cầu Yên Sơn trên đường cao tốc Láng – Hoà Lạc, rẽ theo đường đê sông Đáy theo hướng Sơn Tây chừng 2km, đến xã phượng Cách thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội), du khách sẽ gặp một ngôi đền nhỏ nằm sát chân đê phía nội đồng, bên một ngọn núi đá. Đó là đền thờ bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm. Thần phả ghi là bà chúa Tây Năng.
Các cụ già kể lại, vị trí đền cũ ở trên núi Lân Sơn, một ngọn núi đẹp có hình con lân, nằm đơn lẻ giữa cánh đồng xã phượng Cách. Vào quãng năm 1950 của thế kỷ trước đền vẫn còn, trong đền có pho tượng quý bằng thạch bích cao 0,42m. Đó là tượng một phụ nữ trạc 40, gương mặt phúc hậu, tóc vấn, gài một hoạ tiết cành lá, có lẽ là lá dâu. Tượng ở tư thế ngồi, một chân chống, một chân duỗi thoải mái, tay trái hơi nâng lên, tay phải hơi ngửa. Đó chính là tượng bà Tây Năng. Nhưng sau đền bị tàn phá, pho tượng trên được dân xã đưa về đặt trong nhà Tổ chùa phượng Cách, tiếc thay lại bị kẻ gian lấy mất, bây giờ không biết lưu lạc nơi đâu, dân làng chỉ còn giữ được thần phả và 9 đạo sắc phong. Nhà sử học Đặng Bằng (Hội viên Hội KHLS Việt Nam, Giám đốc trung tâm Quản lý di tích tỉnh Hà Tây cũ) cùng cụ Dương Văn Hồ (thân sinh đại tá – nhà văn Dương Duy Ngữ), một bậc túc nho quê xã phượng Cách đã bỏ công nghiên cứu khá kỹ về thần phả và 9 đạo sắc phong đó. Thần phả cho biết bà Tây Năng là người đã phát hiện ra một loại “sâu” hoang, ăn một loại lá hoang mọc rất nhiều ở chân núi Lân. Khi chín, loài “sâu” đó nhả ra một sợi tơ rất đẹp, rất bền để làm tổ chui vào đó hoá bướm, và sau khi hoá bướm lại cắn thủng tổ bay ra. Bà dạy dân nuôi loài “sâu” đó, đem loài cây hoang đó về trồng lấy lá cho sâu ăn, khi sâu làm tổ bằng tơ thì thu lấy tổ đem kéo tơ dệt vải. Con “sâu” đó được gọi là con tằm, cây hoang đó gọi là cây dâu. Từ núi Lân, nghề trồng dâu nuôi tằm nhanh chóng phát triển, lúc đầu là ở những vùng ven sông Đáy rồi sau lan ra cả xứ Đoài. Và xứ Đoài đã trở thành “quê lụa” với những trung tâm dệt lụa nổi tiếng như Vạn phúc, Cổ Đô… Lụa Cổ Đô ngày trước là lụa tiến vua, nên sớm vang danh cả nước. Ai đi qua xứ Đoài mà không biết đến câu ca “Lụa này là lụa Cổ Đô/ Chính danh lụa Tiến, các cô ưa dùng”. Để nhớ ơn bà Tây Năng, nhân dân đã tôn bà là bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm và lập đền thờ. Còn 9 đạo sắc phong thì đạo sớm nhất là năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) do vua Lê Ý Tông triều Lê trung hưng ban và đạo cuối cùng là năm “Khải Định cửu niên”, tức năm 1924, do vua Khải Định triều Nguyễn ban. Căn cứ vào các sắc phong, có thể thấy ngôi đền đã tồn tại trên 200 năm, tính đến năm 1950 là năm nó vẫn còn hiện diện (muộn nhất là đền được xây dựng vào năm Vĩnh Hựu thứ 6, năm có đạo sắc phong đầu tiên). Vào thập niên thứ chín của thế kỷ trước, ngọn Lân Sơn bắt đầu bị tàn phá để lấy đá nung vôi và làm đường. Do khai thác bừa bãi, ngọn núi bị biến dạng đi rất nhanh, một nửa núi đã biến thành cái ao sâu hàng chục thước, nhưng dấu vết ngôi đền thờ bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm ở phía núi bên kia vẫn còn. Năm 2000, nhiều bà con ở phượng Cách muốn khôi phục lại ngôi đền. Họ đã làm đơn tập thể gửi UBND xã phượng Cách nói lên nguyện vọng đó, và nói rõ là đề nghị xã thành lập ban kiến thiết, còn kinh phí hoàn toàn do dân đóng góp tuỳ theo tâm sức của từng người. Nói về chuyện này, nhà sử học Đặng Bằng cho biết: Thời trước, Hà Đông, Sơn Tây là vùng tầm tang lớn nhất nước. Tỉnh Hà Tây (do hai tỉnh Hà Đông – Sơn Tây sáp nhập lại) có hàng ngàn đình chùa, nhưng chỉ duy nhất trên núi Lân là có đền thờ bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm. Công lao và sự nghiệp của bà cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Bà rất xứng đáng được tôn vinh. Nguyện vọng của nhân dân muốn khôi phục lại đền thờ bà trên nền cũ là chính đáng. Tiếc thay, chính quyền xã đã không chấp nhận nguyện vọng đó của bà con. Năm 2004, một số người trong xã đã tự thành lập ban tổ chức, đứng ra vận động nhân dân đóng góp tiền, vật liệu, công sức để xây lại đền, được bà con trong xã và cả khách thập phương nữa, hưởng ứng rất nhiệt liệt. Ngày khởi công xây đền trên nền cũ, UBND xã không có phản ứng gì. Nghĩ là xã đã đồng ý, bà con cứ làm tới. Cụ Đỗ Như, ngoài 70 tuổi, một trong những người hăng hái trong việc khôi phục đền, cho biết: “Làm lại đền trên núi Lân là hợp lý, một là vì nền đền cũ trên đó vẫn còn, hai là ngôi đền sẽ góp phần bảo vệ phần còn lại của núi Lân khỏi bị tàn phá vì khai thác đá bừa bãi. Con người, ai chả có phần tâm linh. Thấy ngôi đền thờ bà chúa hiện diện trên đó, sẽ không anh nào dám quá tay bức tử ngọn núi nữa”. Đền vừa hoàn thành, người trong xã và khách thập phương tới dâng hương, chiêm bái rất đông, mỗi ngày có tới cả trăm người. Ngày sóc, ngày vọng hàng tháng, số người đến càng đông hơn. Đền bà chúa nghề dâu tằm cùng với chùa phượng Cách, đình đền Tư Văn xã phượng Cách hợp thành một quần thể di tích (đình phượng Cách thờ Lý phục Man, một vị tướng của vua Lý Nam Đế, đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia)… Đùng một cái, UBND xã ra quyết định cưỡng chế phá đền bà chúa Tây Năng. Được tin, thanh tra Bộ Văn hoá – Thông tin (ngày ấy bộ này còn mang tên đó) đã có công văn khẩn đề nghị UBND huyện Quốc Oai, UBND xã phượng Cách tạm dừng việc phá đền chờ xem xét. Nhưng công văn trên không có tác dụng. Một lực lượng đông đảo đã được xã điều đến, và chỉ trong một buổi sáng, ngôi đền bị phá tan tành. Nhìn ngôi đền bị phá, không ít người dân đã ôm mặt khóc. Mấy tháng sau, UBND xã khởi công xây dựng một ngôi đền khác, cũng thờ bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm. Chính là ngôi đền mà chúng tôi đã nói ở phần mở đầu. Đền không xây trên nền đền cũ trên núi Lân mà nằm cạnh đê, cạnh một bãi chứa vật liệu xây dựng suốt ngày ầm ầm tiếng xe vào xe ra. Cái không khí u tĩnh, trầm mặc tôn nghiêm vốn cần thiết cho mọi nơi thờ tự bị phá vỡ hoàn toàn. Và cũng không biết xã lấy tiền ở đâu mà xây. Chỉ nghe nói tiền do một số người quê gốc ở xã đi làm ăn xa giàu có, cúng tiến. Ngôi đền do xã xây dựng này được gọi là đền “quan”, để phân biệt với ngôi đền vừa bị phá là đền “dân”. Một điều lạ lùng nữa là từ khi ngôi đền do xã xây dựng hoàn thành đến nay, dù có cả một tấm biển bê tông cắm trên đê có ghi lời chỉ dẫn là “di tích đền bà chúa”, nhưng lượng người đến dâng hương, chiêm bái vô cùng ít. Ngày rằm, mùng một hàng tháng, người chỉ lèo tèo, còn ngày thường thì cửa đóng then cài im ỉm. Khác hẳn với cái không khí tấp nập ở ngôi đền do dân xây trên núi Lân trước đó. Ông chủ tịch xã sau đó bị mất chức. Người dân trong xã bả Đó là ông ta bị bà chúa phạt vì tội phá nơi bà ngự. Chúng tôi đã tìm hiểu, và thấy ông chủ tịch UBND xã phải thôi chức vì một lý do hoàn toàn khác, không liên quan gì đến chuyện cưỡng chế phá bỏ ngôi đền bà chúa nghề trồng dâu nuôi tằm do dân tự xây trên núi Lân. Nhưng người dân cứ nói thế. “Miệng dân sóng biển”. Chẳng ai cản nổi những con sóng ngoài biển cả, trừ khi biển lặng. (còn nữa)
Kỳ III: Khi chùa mất, tháp còn. |
Chuyện đền chùa làng quê
0