Tai nạn lao động tăng theo tốc độ đô thị hóa











Công trình Keangnam (ảnh Phúc Hưng)

KTĐT – Được mệnh danh là “tòa nhà cao nhất Việt Nam”, nhưng trong quá trình thi công, tòa nhà Keangnam thuộc địa bàn xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động khiến 4 công nhân tử vong.

Cái chết thương tâm của 4 công nhân trong khi thi công tại công trình tòa nhà Keangnam những ngày gần đây đã “nâng” tổng số người chết do tai nạn lao động trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm 2009 đến nay lên con số trên 20. Trao đổi với PV về vấn đề này, một cán bộ Liên đoàn Lao động thành phố thừa nhận: “Quy định giám sát an toàn tại các công trình cao tầng thì có, nhưng nhà thầu và chủ đầu tư mà “nhãng” ra thì tai nạn vẫn xảy ra!”.


2 ngày – chết 4 công nhân


Được mệnh danh là “tòa nhà cao nhất Việt Nam”, nhưng trong quá trình thi công, tòa nhà Keangnam thuộc địa bàn xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động khiến 4 công nhân tử vong. Đầu tiên là vụ việc xảy ra khoảng 22h40 ngày 21-7. Tại tầng 14 khu B của tòa nhà này, trong khi đang làm việc, 2 công nhân Hoàng Văn Tạo, SN 1989, quê quán Tân Thành, Kim Bôi, Hòa Bình và Bùi Văn Dương, SN 1989, quê quán Văn Sơn, Lạc Dương, Hòa Bình, đã gặp tai nạn dẫn đến tử vong.


Tài liệu của cơ quan chức năng xác định, lúc đó, anh Tạo và anh Dương đang cùng một số đồng nghiệp dựng giàn giáo ở tầng 14 để chuẩn bị xây tầng 15. Trong khi tác nghiệp, khối vật liệu dựng giàn giáo bị đổ, kéo theo 2 công nhân xấu số rơi từ tầng 14 xuống đất.

Trong khi vụ tai nạn nghiêm trọng này đang được cơ quan chức năng giải quyết thì sau đó 1 ngày, khoảng 16h30 ngày 22-7, tại công trình này lại xảy ra thêm vụ tai nạn lao động làm 1 công nhân chết tại chỗ và 1 người bị thương nặng sau đó đã tử vong tại bệnh viện. Danh tính 2 nạn nhân là anh Lâm Văn Hiền, SN 1986, quê quán Nam Định và anh Võ Ngọc Hường, SN 1968, quê quán Quảng Nam.


Đồng nghiệp của anh Hiền và anh Hường cho biết, trong lúc bê cốt pha ở tầng 5 của tòa tháp 70 tầng, hai anh bị trượt chân rơi xuống sàn nhà tầng 4. Thông tin mới nhất mà PV cập nhật đến ngày 23-7, là Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra tổng thể trang thiết bị, bảo hộ an toàn lao động… của các đơn vị thi công tại công trình Keangnam. Do vụ việc này khá phức tạp nên có thể, lãnh đạo Sở sẽ báo cáo lên Bộ LĐ-TB&XH xin ý kiến chỉ đạo.


Tai nạn sẽ… còn tiếp diễn


Hơn 20 trường hợp tử vong do tai nạn lao động từ đầu năm 2009 đến nay có nhiều nguyên nhân; người bị điện giật, người ngã từ trên cao xuống, người bị thang máy “kẹp”… Có một đúc kết thực tế là công tác kiểm tra của cơ quan chức năng đối với những công trình cao tầng quy mô chỉ… gọi là có; bởi lịch kiểm tra phải thông báo trước và khi đó nhà thầu, chủ đầu tư có thừa thời gian để lấp liếm sự thiếu an toàn.

Ông Trần Thanh Bình – Phó Trưởng ban Bảo hộ lao động – Liên đoàn Lao động TP Hà Nội nêu với PV một hiện tượng, đó là số vụ tai nạn lao động tại Hà Nội đang tăng theo… tốc độ đô thị hóa. Mật độ xây dựng ngày càng cao thì tai nạn càng nhiều. Ông Bình cho biết, có thời điểm, những địa bàn như Cầu Giấy, Từ Liêm hầu như không tháng nào không xảy ra tai nạn.


Có những vụ việc không thể “giấu” được thì nhà thầu mới báo cáo, còn cách hành xử chung của các vụ tai nạn là nhà thầu hoặc chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường với gia đình bị hại. Chính vì vậy, con số trên 20 trường hợp tử vong do tai nạn lao động nghe có vẻ nhiều, nhưng chắc chắn chưa phản ánh hết sự phức tạp trong lĩnh vực này. Không nhiều người ý thức được rằng, càng giấu giếm thì số vụ tai nạn sẽ càng tăng, bởi nguyên nhân tai nạn, lỗi của bên nào… không được chỉ ra và rút kinh nghiệm.


Theo ông Bình, số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng ở Hà Nội nói riêng có nhiều, nhưng không nhiều trong số đó chủ động về công tác đảm bảo an toàn cho người lao động. Tùy theo quy mô, đặc thù doanh nghiệp mà sự quan tâm đối với người lao động thể hiện khác nhau. Ngoài khối liên doanh hay công ty có yếu tố nước ngoài còn tàm tạm, nhiều doanh nghiệp trong nước hay công ty tư nhân, công tác bảo hộ cho người lao động gần như bị bỏ bẵng.


Nhận thức, ý thức này của các doanh nghiệp phải được điều chỉnh bằng công tác thanh tra, giám sát. Vậy nhưng theo ông Trần Thanh Bình, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa cao. Từ phía các doanh nghiệp, đã và đang có tâm lý “nhờn” các đoàn kiểm tra an toàn lao động. Cán bộ, đoàn kiểm tra nhiều, nhưng rất ít biện pháp xử phạt được ban hành ngay cả khi phát hiện vi phạm(?!).



Theo ANTĐ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *