Tăng giá vé xe buýt, làm khó dân nghèo và sinh viên





 – Nếu UBND TP.HCM duyệt kiến nghị của Sở GTVT TP, giá xe buýt sẽ tăng thêm 1.000 đồng từ tháng 3/2009 và hành khách “nghèo” sẽ gặp khó khăn hơn.  


Xăng dầu giảm, sao giá xe buýt tăng?


Đối với người không sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại chính, việc xe buýt lên giá 1.000 đồng sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng với những hành khách như học sinh, sinh viên, người lao động nghèo… tăng vé xe buýt là cả vấn đề.  


“Trong lúc cái gì cũng tăng, giá cả đắt đỏ, ngay cả xe buýt cũng tăng, sinh viên nghèo sao chịu nổi. Xe buýt tăng lên 4.000 đồng/vé, 5.000 đồng/vé, nghĩa là nếu sinh viên đi 2 tuyến, cả đi và về mất khoảng 20.000 đồng, tiền xe buýt còn mắc hơn đi xe máy” – Huyền, sinh viên ngành Văn học và ngôn ngữ, ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP. HCM bức xúc.  


Giá vé xe buýt tăng 1.000 đồng, nghĩa là mỗi tháng hành khách phải thêm khoảng vài chục ngàn đồng nếu đi thường xuyên, con số này không nhỏ với người lao động nghèo, sinh viên…  










Sinh viên là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng vé xe buýt.  Ảnh: Thái Phương



Đặc biệt, khi được hỏi về việc bỏ vé tháng chuyển sang loại vé tập 60 vé với giá đắt hơn so với vé tháng trước đây, nhiều hành khách không đồng ý.  


“Vé tháng có nhiều thuận lợi cho sinh viên, vừa tăng giá vé lượt, vé tập vừa bỏ vé tháng thời điểm này không hợp lý. Ngược lại, cần phải bỏ kiểu thu tiền vé theo lượt, thay vào đó là đi vé tháng. Nếu nhu cầu vé tháng tăng cao, điều đó cũng có nghĩa là người dân thích đi xe (buýt) hơn và giảm được tình trạng kẹt xe giờ cao điểm” – chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Q.6), một hành khách thường xuyên đi xe buýt cho biết.  


“Vì hành khách bị phân biệt đối xử khi đi vé tháng mà bỏ phát hành loại vé này thì không đúng. Việc phân biệt đối xử chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh”, không phải tài xế, nhân viên bán vé xe buýt nào cũng vậy”. 


Nếu các cơ quan chức năng tuyên truyền, giải thích cho lái xe, nhân viên nhà xe hiểu khách đi vé tháng, vé lượt là như nhau, đồng thời có sự đồng bộ giữa cơ quan phát hành vé tháng, HTX vận tải hành khách công cộng thì người dân sẽ không bị phân biệt, đối xử.  


Trước đây, khi xăng A92 ở mức 19.000 đồng/lít, dầu diesel 15.950 đồng/lít thì vé xe buýt có giá 3.000 đồng/tuyến và 4.000 đồng/tuyến. Đến thời điểm này, khi giá xăng đã giảm xuống còn 11.000 đồng và giá dầu diesel còn 10.500 đồng/lít, giá vé xe buýt không giảm mà lại tăng.  


Tăng giá, chất lượng có tăng?


Mục đích cuối cùng của xe buýt là phương tiện để phục vụ người dân và hạn chế nạn ùn tắc giao thông. Thế nhưng, nhiều tồn tại trong hoạt động xe buýt như: xe buýt chạy ẩu, tiếp viên thô lỗ, cục cằn, bỏ trạm… khiến loại phương tiện này chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.


Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố, xe buýt chỉ mới đáp ứng 6,1% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi đó, chính quyền thành phố vẫn mong muốn tăng tỉ lệ người dân “cùng buýt” ở mức 8% (vào năm 2010) và 15% (vào năm 2015).


Ở các nước tiên tiến, Chính phủ vẫn phải bù lỗ cho phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt.








Tăng vé xe buýt, hành khách không còn bị nhồi nhét trên xe buýt? Ảnh: Thái Phương


Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết việc tăng giá xe buýt vào thời điểm này là không phù hợp. Thật ra điều hành khách không vừa lòng là cách phục vụ của tài xế, nhân viên, và giá xe buýt tăng. Nếu giá vé tăng mà chất lượng không tăng, người dân còn phản đối dữ dội hơn.


“Tăng giá xe buýt đang mâu thuẫn với việc thu hút người dân đi xe buýt. Có nhiều cách để giảm mức giá vé như cho quảng cáo trên xe buýt. Còn việc bỏ vé tháng vì phân biệt đối xử, lẽ ra phải trị mấy tài xế, nhân viên không phục vụ hành khách tử tế, đúng đắn” – ông Đằng nói thêm.


Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân phải “thắt lưng buộc bụng”. Do vậy, đây là thời điểm nên giảm giá xe buýt và nâng cao chất lượng để thu hút thêm hành khách.


Tăng giá vé thời điểm này liệu có làm hành khách bỏ xe buýt đi xe máy cho tiện và lợi hơn ? 




  • Thái Phương 

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *