|
KTĐT – Để ứng phó với bão, việc duy trì hàng chục nghìn cây bóng mát các loại, cây trồng dọc các tuyến phố chính ở Hà Nội, đồng thời đảm bảo an toàn cho người và tài sản là rất cần thiết.
Năm 2009, theo Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Trung ương, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông có khả năng ảnh hưởng tới VN nhiều và sớm hơn quy luật năm 2008.
Ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó Tổng GĐ Cty công viên cây xanh cho biết:
– Để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do bão lụt gây ra, hiện mỗi quý Cty cắt sửa khoảng gần 300 cây, mỗi năm phải cắt sửa khoảng từ 6.000 – 6.500 cây nặng tán, nguy hiểm và chặt hạ từ 600 – 650 cây sâu mục, chết khô. Đây là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi phải khảo sát kỹ, bởi lẽ Cty đang phải quản lý, duy trì hàng chục nghìn cây bóng mát các loại, cây trồng trên các tuyến đường phố chính, ven sông thoát nước, vườn hoa, công viên.
– Tại TP đã từng có những vụ cây đổ cây gây chết người khi mưa bão. Cty có kế hoạch như thế nào để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa 2009, thưa ông?
– Ngay trước mùa mưa, chúng tôi thường xuyên khảo sát sớm, phát hiện những cây xanh nguy hiểm để có kế hoạch chặt hạ, cắt sửa. Trong đó, sẽ ưu tiên cắt sửa những cây nguy hiểm, nặng tán, cây cao như xà cừ, cây nghiêng nguy hiểm, cây lệch tán, cây có cành vươn xa, cây khô, cây vướng hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đây là những cây gây nguy hiểm bất ngờ, đe doạ tính mạng, tài sản của nhân dân. Riêng đối với cây khô mục, chúng tôi đã chặt hạ ngay trước mùa mưa.
Theo kế hoạch năm 2009, hiện chúng tôi đã chặt hạ trên 899 cây, trong đó có 193 cây chết, 48 cây sâu mục, nghiêng đổ và chặt hạ 12 cây chết khô. Ngay trong quý II/2009, Cty sẽ cắt sửa 788 cây, chủ yếu là địa bàn quận Hoàn Kiếm (331 cây) và quận Hai Bà Trưng (206 cây).
– Thưa ông, việc khắc phục cây đổ nhằm để tránh ùn tắc giao thông được Cty chuẩn bị ra sao?
– Mục tiêu của Cty là nắm vững kịp thời và đảm bảo chính xác vị trí, tình trạng, số lượng cây đổ để đưa ra biện pháp xử lý tối ưu. Trong đó, những đối tượng được ưu tiên là cây đổ trong tình trạng vị trí gây nguy hiểm, đe doạ đến tài sản, tính mạng con người; cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, trục đường chính có các cơ quan, trường học, bệnh viện.
Chúng tôi khẳng định đảm bảo thông đường chậm nhất sau 8 giờ xảy ra cây đổ. Đặc biệt việc cắt cành, dọn lá, cắt thân, đánh gốc cây và vệ sinh, lấp hố, trồng mới cây thay thế kể từ khi có bão gây đổ cây chỉ sau 5 ngày.
Ngoài ra, suốt mùa mưa bão và khi có bão lớn gây đổ cây, Cty sẽ duy trì số điện thoại trực 24/24 giờ. Người dân có thể gọi trực tiếp theo số điện thoại: 39.764540 và 38237114 để thông báo, phản ánh tình trạng cây đổ, cây gây nguy hiểm.
– Xin cảm ơn ông!
Theo LĐ