Tết cuối ở Hòa Vân










Một vệt nhà nấp dưới rặng cây sau bờ cát đẹp, sau lưng là cánh đồng nhỏ phẳng phiu, tinh tươm và những đồi rừng trồng hướng thẳng lên “Hải Vân đệ nhất hùng quan”. Làng Hòa Vân đang đón cái Tết cuối cùng trước khi giao đất cho dự án du lịch để vào tái định cư…


Tết cuối ở Hòa Vân
Ông Trần Hữu Đức (phải) giới thiệu bể nuôi cá lóc.




Sống như “trong quá khứ”



Làng Hòa Vân nằm bên vịnh Hansen dưới chân đèo Hải Vân, đối diện với trung tâm thành phố qua vịnh Đà Nẵng. Khung cảnh vừa hiền hòa vừa hùng vĩ. Nếu không biết đây vốn là khu làng lập ra để cách ly bệnh nhân phong từ hơn 40 năm trước, hẳn khách tham quan sẽ hết sức ngạc nhiên trước những người dân sống hiền hòa giữa thiên nhiên phồn thực.



Ngôi làng bình yên, cách biệt với bên ngoài vì giao thông trắc trở. Đường vào làng phải đi bộ qua núi, men theo đường xe lửa. Đường thủy tiện lợi hơn nhưng gặp mùa biển động lại không an toàn.



Hầu như nhà nào trước sân cũng có một bể cạn với hòn non bộ, hoa súng hoa bèo và cá cảnh. Ở vườn cây cảnh và non bộ giữa làng, chúng tôi gặp một trung niên đang xoay trần giữa nắng trưa đào một gốc cổ thụ để vào chậu cảnh. Anh nói “làm chơi” thì phải tranh thủ vì sáng chiều còn ra ruộng “làm ăn”. Anh tỏ ra dè dặt khi chúng tôi bắt chuyện và cho biết khách đến đây nên thông qua ông Trưởng thôn, người dân chỉ tiếp chuyện khi có trưởng thôn giới thiệu.



Nhà ông Trưởng thôn Trần Hữu Đức mát rượi với vuông sân rợp tán xoài. “Mấy năm trước có người đến đây nói làm từ thiện nhưng lợi dụng truyền bá những tài liệu chống phá Nhà nước, nên chúng tôi đã phổ biến người dân phải cảnh giác với người lạ” – ông Đức giải thích. Ngoài cái bể non bộ như bao nhà khác, sân nhà ông còn có hai bể cá lóc “vừa nuôi vui vừa cải thiện”.



Ông Đức cho biết, với diện tích ruộng và rừng của thôn Hòa Vân, cùng với gia súc các loại, người dân hoàn toàn có thể làm đủ ăn và bán để trao đổi những tiện nghi khác. Đời sống khép kín gần như mẫu mực của kiểu tự cung tự cấp làng quê xưa. “Từ ngày được Nhà nước đầu tư mấy tỉ đồng xây dựng đường thủy lợi, sản lượng lúa và hoa màu ổn định, đời sống khá lên nhiều, rất dễ chịu” – ông Đức nói.


Tết cuối ở Hòa Vân
Vịnh Hansen và làng Hòa




Mùa xuân cuối cùng



Điều duy nhất khiến chúng tôi thắc mắc là con đường gần 1km chạy dọc làng chỉ là một lối mòn lem nhem cát. Ông Đức cho biết thôn đã có kế hoạch xin chính quyền hỗ trợ làm đường bê tông, nhưng rồi TP quyết định giải tỏa làng để xây dựng khu du lịch nên mọi chuyện đình lại. Bây giờ mọi người đang đợi sau Tết Nguyên đán 2009 sẽ chuyển vào tái định cư trong phố.



Ông Trưởng thôn cho biết, hiện làng còn trên 100 hộ với hơn 300 nhân khẩu sống thuần nông và làm chài. Lớp trẻ từ trung học cơ sở bắt đầu rời làng ra phố học hành rồi đi làm ăn khắp nơi, nên ở làng Vân bây giờ chỉ còn trung niên, người già và trẻ em tuổi tiểu học. “Thêm vài năm nữa chắc làng chỉ còn người già, hết lớp già thì làng cũng bỏ hoang, vì bọn trẻ chẳng đứa nào muốn về làng, cái tên làng cùi khiến người ta dễ mặc cảm!” – ông Đức bùi ngùi.



Và chính đó là điều đáng suy nghĩ khi quyết định đưa người dân làng Vân vào một khu tái định cư, xa rời ruộng rẫy và đời sống tự cấp tự túc quen thuộc từ hàng chục năm nay. Tập quán gần cả đời người trong môi trường biệt lập và chất phác sẽ là một thách thức với người làng Vân khi trở về thích nghi với đời sống thành thị, với những nghiệp nghề mới mẻ chưa được hình dung. Theo ông Đức, “chuyện đó thì cứ tin vào chủ trương của Thà nước thôi”.



Với một số hộ làm nghề biển, cuộc sống mới chắc chắn không thuận lợi. Anh Thắng, một ngư dân sống ở Nam Ô vào cắm trại ở làng Vân làm nghề cho biết biển ở đây hiền, những ngày “ngoài kia” trời động không làm việc được thì ở đây vẫn lặng sóng, vẫn thả lưới đặt lọp được. Anh Thắng vào làng Vân cất một cái chòi ở tạm hàng tuần, cá ghẹ anh bắt được hàng ngày gởi ra cho vợ bán, thu nhập cũng đủ sống.



Sự hòa nhập cộng đồng của gần 60 bệnh nhân phong còn lại cũng sẽ không hề dễ dàng, khi mặc cảm về căn bệnh và những di chứng trên thân thể khó xóa đi trong ngày một ngày hai. Mối lo ngại càng lớn khi phần lớn người dân ở tái định cư nói chung chưa được hỗ trợ đúng mức về việc làm và các tiện ích sinh hoạt.



Đầu tư phát triển rõ ràng là một chủ trương đúng và để phát triển, lúc này lúc khác còn đòi hỏi một số hy sinh nhất định. Nhưng nên chăng TP Đà Nẵng cần vạch ra được một kế hoạch cụ thể cho người làng Vân an cư lạc nghiệp trước khi đưa họ vào hoàn cảnh “đã rồi” của thân phận tái định cư?







Làng Hòa Vân hình thành từ năm 1968, ban đầu chỉ là khu điều dưỡng và cách ly những bệnh nhân phong. Những người thiện nguyện và bệnh nhân phong đã khỏi ở lại lập nghiệp tại đây, dần dần gây dựng thành làng. Năm 1998, chính quyền Đà Nẵng lập thôn Hòa Vân, một đơn vị hành chính của P.Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu và đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đời sống cho người dân làng này.


Tháng 4/2008, TP Đà Nẵng đã giao cho Tập đoàn Oaktree Capital (Mỹ) nghiên cứu xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên diện tích gần 700ha tại thôn Hòa Vân. Oaktree Capital dự kiến sẽ xây dựng các khu resort, căn hộ cho thuê; các khu giải trí, nghỉ dưỡng, các loại hình thể thao dưới nước; cảng du thuyền, sân golf… và cả sân bay trực thăng và hệ thống cáp treo nối từ đỉnh Hải Vân đến Hòa Vân…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *