“Chúng tôi thường nói đùa với nhau, ô nhiễm về nước thải có sông Tô Lịch, sông Nhuệ; ô nhiễm nước ngầm, rồi khí thải, người thải, lại có nghĩa trang Văn Điển… Huyện đã nhiều lần kiến nghị thành phố di dời Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty Pin Hà Nội, Công ty Sơn Hà Nội ra khỏi địa bàn và kiến nghị, di dời nghĩa trang Văn Điển, nhưng khó quá”. Mở đầu buổi làm việc với Đoàn giám sátcủa HĐND TP về lĩnh vực này, PCT HĐND huyện Thanh Trì, bà Dương Thị Tình Thương đã cho biết đối với vấn đề môi trường, huyện Thanh Trì rất bức xúc. Cũng theo bà Thương, huyện đã có nhiều cố gắng như việc xây dựng nghị quyết, đề án, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhưng do nhiều nguyên nhân nên vệ sinh môi trường vẫn chưa giải quyết được triệt để. Như nguồn nước thải của các con sông chảy qua huyện như sông Nhuệ, sông Tô Lịch còn chưa được xử lý gây ô nhiễm môi trường; Một số nhà máy, cơ sở sản xuất đã xử lý môi trường không phải là khu tập trung, nên việc xử lý không triệt để, vẫn ảnh hưởng ô nhiễm môi trường về khí thải, tiếng ồn và bụi; Một vài nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đã được xử phạt hành chính, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để như cơ sở kho da, thuộc xã Ngọc Hồi; khu vực Nghĩa trang Văn Điển vẫn còn thực hiện mai táng, khu hoá thân hoàn vũ bị xuống cấp, chưa được đầu tư, sửa chữa nên khi hoạt động gây ô nhiễm môi trường…
Về phía UBND huyện, bà Lã Thị Bích Nhung, Phó chủ tịch cũng cho biết, Thanh Trì bị tác động của môi trường rất nặng nề, có cái do khách quan, có những cái do chủ quan. Khách quan là nguồn nước thải của thành phố và nghĩa trang Văn Điển, đề nghị thành phố và trung ương giúp còn những gì do chủ quan như rác thải trong dân, huyện sẽ chủ động lo.
Để hạn chế những cái mà huyện không thể tự mình giải quyết, huyện đã phải chủ động xây dựng kênh Hồng Vân lấy nước từ sông Hồng để thau rửa toàn bộ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Hiện giai đoạn một đã cấp nước tưới được cho sáu xã, năm 2008 đã bắt đầu giai đoạn hai nhưng kinh phí lớn và đang đề nghị thành phố tạo điều kiện cho huyện thực hiện. Tiếp đến là xã hội hóa xây 34 trạm cấp nước mini để cấp nước sạch cho dân của 13 xã (các xã Tứ Hiệp, Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển sử dụng nước của trạm cấp nước của Xí nghiệp môi trường đô thị huyện). Thực hiện xã hội hóa vận chuyển rác thải ra khu dân cư, làm điểm khu chăn nuôi tập trung 6,2 ha tại thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai ….Hiện huyện đang làm điểm về quản lý môi trường cộng đồng tại khu dân cư ở thôn Yên Phú xã Liên Ninh.
Trên địa bàn Thanh Trì có khoảng trên 300 doanh nghiệp nhà nước, chưa kể nhiều doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH đan xen trong các khu dân cư. Huyện cũng đã tổ chức ký cam kết bảo đảm môi trường với các doanh nghiệp, nhưng vẫn có một số cơ quan không thực hiện, trong khi việc xử lý lại rất khó khăn. Để xác định ô nhiễm theo quy định một số trường hợp phải xác định bằng quan trắc như tiếng ồn, khí thải, bụi… nhưngkhi có kết quả quan trắc thì cũng không nói rõ kết quả nào là cuối cùng để thực hiện vì có nhiều cơ quan làm, nhất là khi kết quả lại không đồng nhất.
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế những vi phạm về ô nhiễm môi trường, huyện Thanh Trì đã kiến nghị với thành phố cho bổ sung cán bộ biên chếtrong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Tập trung xử lý nước thải sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Mở rộng làng nghề Tân Triều để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện; Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố tại khu Công viên Yên Sở; quan tâm hỗ trợ đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn như đường liên xã, hệ thống chiếu sáng, cấp thoát nước, trang thiết bị đo kiểm môi trường để xử lý kịp thời các nhà máy, cơ sở sản xuất ô nhiễm môi trường.. “Chúng tôi hy vọng năm nay, HĐND và UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành và phải có lộ trình cụ thể thì mới có thể giải quyết để giúp huyện đỡ ô nhiễm”- Phó chủ tịch Lã Thị Bích Nhung bày tỏ.
B.Châu