Thông tin liên lạc ở Hà Nội: Sẵn sàng cho mùa mưa bão












KTĐT – Theo dự báo của Trung tâm khí khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, mùa mưa bão 2009 có nhiều diễn biến phức tạp; bão có thể nhiều hơn năm 2008 từ 5 – 6 cơn. Đặc biệt, lũ sẽ bắt đầu sớm hơn, ở miền Bắc có thể vào tháng 7, miền Trung vào tháng 8 và miền Nam khoảng tháng 10. Do vậy, cùng với nhiều ngành khác liên quan đến công tác phòng chống lụt bão, hệ thống thông tin truyền thông liên lạc được xác định là vô cùng quan trọng trong quá trình phòng chống mưu lũ nên phải thông suốt.


Không lơ là, chủ quan



Tại cuộc họp tổng kết công tác PCLB – GNTT năm 2008 và triển khai nhiệm vụ năm 2009, ông Phạm Quốc Bản, giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhấn mạnh: Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, ngành và rút kinh nghiệm từ năm 2008, Sở TT&TT Hà Nội đã quán triệt các đơn vị bưu chính, viễn thông đóng trên địa bàn phải xây dựng phương án phòng chống lụt bão nhằm tăng cường khả năng chủ động, sẵn sàng ra quân…



Theo đó, Viễn thông Hà Nội, Bưu điện Hà Nội, Viettel, Mobifone, EVN Telecom, Vietnam Mobile… cần phối hợp cùng Sở TT&TT xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn cho trang thiết bị, tài sản do đơn vị quản lý; chủ động rà soát cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kiên cố hoá nhà trạm, mạng ngoại vi, chuẩn bị các thiết bị và phương án dự phòng cần thiết cho mọi tình huống… Đặc biệt, cần triển khai lắp đặt các xe thông tin lưu động, mạng vô tuyến sóng ngắn (mạng CODAN) theo yêu cầu của Ban chỉ huy PCLB – GNTT thành phố…



Kế hoạch cụ thể phòng chống lụt bão ngay từ thời điểm này đã được quán triệt đến từng đơn vị. Với phương châm không lơ là, chủ quan, khi có bão, lũ xảy ra, các đơn vị sẽ nhanh chóng triển khai phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống lụt bão của đơn vị.



Các lực lượng vào cuộc



Đối với Trung tâm thông tin di động khu vực 1, đơn vị chủ lực trong việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ mùa mưa bão sắp tới cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể. Ông Mai Hồng Anh, phó giám đốc Trung tâm cho biết: Khi có tin bão từ cấp 9 trở lên, uy hiếp trực tiếp đến khu vực quản lý Ban chỉ huy PCLB Trung tâm kiểm tra và bổ sung đầy đủ cơ số vật tư, trang thiết bị dự phòng. Đặc biệt, tiến hành kiểm tra gia cố các cột cao có cơn bão sắp đi qua. Khi có tin bão khẩn cấp, đội xung kích thường trực trong báo động, đảm bảo thông tin 2 chiều giữa các thành viên của đội với đội trưởng, giữa đội với ban chỉ huy.



Với VNPost đã lên kế hoạch sớm triển khai các nội dung công việc trọng tâm như: kiện toàn nhân sự Ban chỉ huy PCLB – GNTT các cấp và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên, đồng thời duy trìđội xung kích ở các đơn vị để phục vụ công tác phòng tránh, khắc phục tại chỗ, ứng cứu đường thư và hỗ trợ địa phương khi có lũ lụt, thiên tai xảy ra…



Bưu điện Hà Nội đến giờ này đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch triển khai PCLB năm 2009, trong đó xác định rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo mạng lưới thông tin bưu chính được thông suốt để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trên địa bàn TP, hạn chế thấp nhất gián đoạn thông tin phục vụ nhân dân.



Bưu chính Viettel (VTP) có quan điểm là “phòng trước, chống sau”, “phòng hơn chống”. Đầu năm 2009, lãnh đạo đơn vị đã quyết định di dời Trung tâm khai thác Khu vực 1 tại Hà Nội, một trong những trung tâm giao dịch bưu phẩm lớn của công ty đặt tại Đường Láng đến địa điểm mới trên đường Khuất Duy Tiến, nơi có địa hình cao hơn, điều kiện bảo quản hàng hóa tốt hơn. Đồng thời, yêu cầu các bưu cục có vị trí không thuận tiện, khó kết nối với trung tâm khai thác khi có mưa bão cũng phải dịch chuyển. Đơn cử như ở Hà Nội, Bưu cục Ba Đình của VTP đặt tại địa chỉ số 333 Giảng Võ muốn kết nối với Trung tâm khai thác ở phố Khuất Duy Tiến phải đi qua đường Láng Hạ, con đường thường xuyên bị ngập nặng khi có mưa, khiến xe nhiều khi chết máy.


 



Thành Trung

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *