Thủ đô Caracas của quốc gia Nam Mỹ Venezuela đã “qua mặt” thủ đô Tokyo của nước Nhật để trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với người nước ngoài. Theo trang CNBC, đây là kết quả từ cuộc thăm dò mới nhất về chi phí sinh hoạt trên toàn cầu do hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA thực hiện.
Đây là lần đầu tiên Caracas đứng ở vị trí số 1 trong xếp hạng Cost of Living của ECA. So với năm ngoái, vị trí của thành phố này năm nay tăng 7 bậc do mức tăng 60% trong giá cả của các hàng hóa và dịch vụ mà người nước ngoài thường sử dụng.
Hiện Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, một phần do các biện pháp kiểm soát giá cả mà Chính phủ áp dụng. Chính những biện pháp này đã làm nản lòng các nhà sản xuất trong nước, dẫn tới tình trạng thiếu cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát ngoại hối chặt chẽ của Venezuela cũng góp phần dẫn tới tốc độ lạm phát cao chóng mặt ở quốc gia này. Do Chính phủ Venezuela hạn chế việc tiếp cận với đồng USD, giá USD trên thị trường “chợ đen” ở nước này tăng vọt, đẩy giá hàng hóa nhập khẩu leo thang chóng mặt.
Nghiên cứu của ECA so sánh giá cả của một rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng mà người nước ngoài thường sử dụng khi tới sống và làm việc tại 440 thành phố trên toàn cầu. Trong đó có giá thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, quần áo và đi ăn nhà hàng.
Xếp hạng này không bao gồm các yếu tố giá thuê nhà, học phí, điện nước, và giá xe ôtô vì đây thường là những khoản được các doanh nghiệp tính trong gói thù lao khi cử nhân viên ra nước ngoài công tác. Báo cáo của ECA được các công ty trên toàn cầu sử dụng như một căn cứ để xác định mức lương hợp lý cho nhân viên ở nước ngoài.
Gây ngạc nhiên không kém trường hợp Caracas, Luanda, thủ đô của quốc gia châu Phi Angola, chiếm vị trí thứ hai trong xếp hạng. Giá cả hàng hóa ở thành phố này leo thang mạnh trong thời gian qua do thuế nhập khẩu cao, thuế trong nước cao, và tình trạng độc quyền của các chuỗi phân phối có quan hệ với giới quan chức chính trị ở nước này.
Đứng ở vị trí thứ ba là thủ đô Oslo của Nauy, tiếp đó là thành phố Juba của Nam Sudan ở vị trí số 4, và thành phố Stavanger của Nauy đứng thứ 5. Như vậy, trong top 5 thành phố có giá sinh hoạt “chát” nhất thế giới có tới hai đại diện đến từ châu Phi.
Có tới 4 thành phố của Thụy Sỹ là Zurich, Geneva, Bern và Basel lần lượt xếp ở vị trí từ thứ 6 đến thứ 9. Trong khi đó, Tokyo “rớt hạng” mạnh từ vị trí số 1 trong xếp hạng năm ngoái xuống vị trí số 10 năm nay. Tuy nhiên, thủ đô của đất nước mặt trời mọc vẫn là địa chỉ đắt đỏ nhất ở châu Á đối với người nước ngoài.
Đồng Yên giảm giá mạnh trong thời gian qua đồng nghĩa với việc các công ty cử nhân viên tới Nhật làm việc có thể cắt giảm chi phí so với những năm trước. Trong vòng 12 tháng qua, đồng Yên đã mất giá khoảng 24% so với đồng USD.
Các trung tâm tài chính lớn khác của thế giới nằm rải rác trong top 50 thành phố đắt đỏ nhất do ECA xếp hạng. Trong đó, Thượng Hải ở vị trí thứ 18, Hồng Kông xếp thứ 28, Singapore ở vị trí 30, Sydney số 31, và quận Manhattan của New York đứng thứ 33.
Ở đầu kia của bảng xếp hạng, thành phố Maseru, thủ đô của quốc gia châu Phi Lesotho, được đánh giá là thành phố có phí sinh hoạt rẻ nhất cho người nước ngoài. Đó là do dồng Loti của Lesotho đã giảm giá 23% so với đồng USD từ đầu năm đến nay./.