Trang chủ » Thủy điện Hủa Na: Hoàn thành công tác chống lũ

Thủy điện Hủa Na: Hoàn thành công tác chống lũ

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

Kể từ thời điểm tháng 7/2009, khi nhận bàn giao từ nhà thầu cũ và đưa các cánh quân thiện chiến của mình vào công trường thủy điện Hủa Na (công suất 180MW do Cty Cp Thủy điện Hủa Na đầu tư trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Quế phong, tỉnh Nghệ An) với tư cách là tổng thầu thì việc hoàn thành công tác chống lũ năm 2010 vào cuối tháng 6 là mốc tiến độ quan trọng thứ hai mà Tập đoàn Sông Đà đã đạt được. trước đó, cuối tháng 1/2010, tổng thầu Sông Đà đã hoàn thành hầm dẫn dòng thi công và ngăn sông Chu thắng lợi.


Thủy điện Hủa Na hoàn thành mục tiêu chống lũ 2010.

Người công trường vẫn còn nhớ, hôm kéo quân vào Hủa Na, nhìn hiện trường ngổn ngang, mặt bằng “vênh váo”, một vài ki-lô-mét đường thi công dở dang, ai nấy đều ngán ngẩm. Để khắc phục tình trạng này, việc đầu tiên tổng thầu thực hiện là sắp xếp gọn gàng lại công trường, giao việc đúng thế mạnh của từng nhà thầu thành viên. Ông Bùi Đắc Tuấn – phó giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Hủa Na – tự hà Sông Đà có những “binh chủng” chủ lực, đồng bộ từ công nghệ, thiết bị xe máy đến nhân lực. Sông Đà 5 với thế mạnh trong thi công bê tông thì được giao đảm nhiệm bê tông đập tràn, nhà máy. Sông Đà 9 với thế mạnh đào – đắp, xúc – chuyển thì đảm nhiệm lõi đập, vai trái và vai phải đập, đường thi công… Sông Đà 10 với thế mạnh về khoan nổ thì đảm nhiệm thi công hầm chính dài 3,8km, rộng 7,5m… Bằng cách vào trận bài bản và chuyên nghiệp, Sông Đà nhanh chóng đem đến cho công trường một diện mạo mới: Sôi động, khẩn trương, quyết liệt. Các tuyến đường phục vụ thi công được mở. trạm nghiền, trạm trộn bê tông được tăng cường. Nhà xưởng gia công, sửa chữa cơ khí, thiết bị cơ giới được bổ sung. Lán trại được dựng… Nói tóm lại, triển khai đến phần việc nào thì nhà thầu với năng lực con người và thiết bị đồng bộ được tung vào trận. Thành quả của những nỗ lực trên là nhà thầu Sông Đà đã ngăn sông Chu thắng lợi. Và mới đây nhất, nhà thầu Sông Đà 5 và Sông Đà 9 đã đắp đất đá, đổ bê tông đê quây thượng lưu, đắp tôn, gia cố rọ đá đê quây hạ lưu đạt khối lượng và cao độ thiết kế, hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2010.

Song song với công tác chống lũ, các nhà thầu cũng đang khẩn trương chinh phục các mục tiêu tiến độ năm 2010 các hạng mục đập lòng sông, hố móng vai trái và vai phải đập dâng, hố móng cửa nhận nước, hầm dẫn nước, tháp điều áp, nhà máy, đập phụ…

Chia sẻ những khó khăn trên công trường thủy điện Hủa Na, ông Vũ Hồng Thắng – phó giám đốc BĐH – cho biết: Cũng như nhiều công trường thủy điện khác, Hủa Na nằm ở vùng núi sâu, xa của tỉnh Nghệ An, địa hình phức tạp, không thuận lợi cho thi công. Hơn nữa, Hủa Na cũng nằm trong vùng khắc nghiệt về thời tiết. Mưa nắng thất thường, nhiều khi mưa phát sinh ngoài dự kiến. Mưa nhiều, địa hình dốc, đầu tháng 4/2010 phần mái đào hố nhà máy xuất hiện hiện tượng sạt trượt. Khối lượng phát sinh phải xử lý lên đến 62.000 m3…

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn thì công trường thủy điện Hủa Na cũng có những thuận lợi nhất định. Đó là sự giúp đỡ của địa phương trong việc bố trí công trường, nơi ăn ở, sinh hoạt của người lao động, di chuyển máy móc thiết bị siêu trường siêu trọng đến hiện trường… Đó là vai trò kết hợp của chủ đầu tư trong việc tạo mặt bằng, cung cấp vốn, dần dần tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thi công. Còn nhớ, hồi tháng 9 – 10 năm ngoái, theo thiết kế ban đầu, để vào được hạng mục hố móng nhà máy thi công đúng tiến độ, nhà thầu sẽ phải đi theo đường Tây Nghệ An (một dự án mở đường mới của tỉnh bằng vốn vay ODA). Tuy nhiên dự án đường Tây Nghệ An vì nhiều lý do bị chậm tiến độ, khi đó vẫn đang trong giai đoạn… chưa phát tuyến. trước tình thế này, nhà thầu đề xuất giải pháp mở đường công vụ vượt núi trên cao độ trên 800m để đưa thiết bị và vật liệu vào hiện trường. trong trường hợp đó, nếu chủ đầu tư chần chừ không quyết ngay thỏa thuận bổ sung vào dự toán vốn đầu tư cho hơn 3km đường công vụ thì đề xuất của nhà thầu đã không thể biến thành hiện thực. Và như vậy, tiến độ thi công khu vực nhà máy chắc chắn sẽ chậm muộn so với tiến độ chung của công trường là phát điện tổ máy 1 vào cuối tháng 9/2012 và tổ máy 2 vào cuối năm 2012. Rất may cho Hủa Na là chủ đầu tư nhạy cảm hiểu được lợi ích của tuyến đường công vụ và sớm gật đầu.

Một thuận lợi khác, theo ông Thắng là công tác thiết kế phù hợp với tiến độ thi công.

Nhận định về tiến độ công trường vào thời điểm này, ông Đỗ Đình Hiện – Giám đốc BĐH – nói: Với sự nỗ lực của các bên gồm chủ đầu tư, tổng thầu và lực lượng tư vấn, công trình thủy điện Hủa Na đã bảo đảm tiến độ đề ra.

Câu nói của ông Hiện tưởng chừng như quá ư bình thường ấy thực ra có vẻ khá kiêm tốn. Bởi cũng giờ này năm trước thôi, trước khi các “binh chủng” của Tập đoạn Sông Đà vào cuộc, chứng kiến hiện trường ngổn ngang, máy móc và người thưa thớt, uể oải, ít ai nghĩ đến lúc hầm dẫn dòng hoàn thành để phục vụ ngăn sông Chu chứ đừng nói đến ngày Hủa Na phát điện.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.