Trung tuần tháng 8, tôi háo hức cùng ban nhạc Tre Xanh và một số ca sĩ lên công trường Xi măng Bình Phước, nơi có gần 500 cán bộ công nhân viên của Cty CP Lilama 18 đang ngày đêm lao động gấp rút thi công để bàn giao công trình đúng tiến độ. Tuy bận nhưng Ban Giám đốc cùng công đoàn Cty vẫn tổ chức giải bóng đá và đêm giao lưu văn nghệ cho anh em công nhân ngay trên công trình, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, 64 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.
Sức trẻ nơi công trường Rời TP.HCM rộn rã tiếng người, tiếng xe với bao ồn ào, náo nhiệt và đầy ắp bụi bặm, tôi náo nức lên với Bình Phước. Xe bon bon chạy qua những cánh rừng cao su bạt ngàn, qua những con đường đất đỏ xa tít mù như ẩn sâu vào tận chân trời. Rừng xanh, đất đỏ khiến lòng tôi nao nao với câu thơ năm nào của bác Tố Hữu viết về những người công nhân miền Bắc vào làm phu cho đồn điền cao su nơi xa lắc “Anh chạy vào đất đỏ làm phu/ Bán thân đổi mấy đồng xu/ Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng..”. Đó là những người công nhân sống trong thời kỳ nô lệ, thuộc Pháp, ngày 2/9/1945 đã mở ra một trang mới: Ngày Quốc khánh nước Việt Nam và từ đó những người công nhân đã làm chủ đất nước. Hôm nay, chúng tôi đang đến với những người công nhân ở vùng đất đỏ, nơi họ đổ mồ hôi để mai ngày Tổ quốc rực ánh sáng của nhà máy thủy điện. Tình cảm, chân thành và nồng nhiệt. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi với những người thợ lắp máy Lilama 18 khi tôi vừa đặt chân tới công trường. Xe vừa dừng hẳn thì tôi đã nghe thấy những tiếng hò re “Đến rồi, đến rồi”. Từ những lán nhà được dựng bằng lá dừa trên đất của đồng bào địa phương, anh em công nhân ùa ra cười nói hỏi han. Lúc đầu tất cả chúng tôi hơi lúng túng vì bất ngờ nhưng chỉ chốc lát sự thân thiện, trẻ trung của họ đã xóa khoảng cách giữa chúng tôi và vui vẻ trò chuyện như đã quen lâu rồi. Họ đa số chỉ ở độ tuổi đôi mươi, trẻ trung, mạnh mẽ nhưng khá e dè trước những người khách từ TP.HCM đến. Nguyễn Tấn Tài – 22 tuổi ở Xí nghiệp Lilama 18-2 cho biết: “Em đầu quân cho Lilama từ khi rời ghế nhà trường, nay đã tròn 3 năm rồi. Quê em ở Thanh Hóa, mỗi năm chỉ về một lần, vì tiền còn để dành gửi về gia đình. Em là lớn, sau còn hai đứa em nhỏ vẫn đi học”. Câu chuyện của Tài tới đó bị ngắt quãng bởi một bạn khác chen và “Cậu ấy là cây văn nghệ của đội đấy chị ạ. Chị mà ở đây xem cậu ấy karaoke thì chị sẽ thấy không kém gì ca sĩ chuyên nghiệp đâu. Ở đây văn nghệ toàn “cây nhà lá vườn” bởi mấy tay ghi-ta thôi, rồi cậu ấy chỉ cho tôi thấy cây đàn ghita treo đung đưa trên vách lán. Lán trại nơi công trường đơn sơ đã trở thành ngôi nhà thân thương của những chàng trai trẻ xuất thân từ nhiều vùng của đất nước.
“Cuộc đời vẫn đẹp sao…” Cuộc sống của những người thợ nơi công trường vất vả bởi công trường luôn đòi hỏi tiến độ. Những người thợ trẻ của Lilama 18 ngày làm việc miệt mài, tối lại vui vẻ tụ tập nhau ca hát. Ai cũng háo hức chờ đợi cả tuần nay khi được thông báo “có ca sĩ chuyên nghiệp ở TP.HCM về phục vụ công trường nhân dịp Quốc khánh 2/9”. Đêm giao lưu văn nghệ “những ánh sao đêm” ngập tràn tiếng nói cười, reo hò của anh em công nhân. Họ đã có những tiết mục ca hát đặc sắc xen lẫn các ca sĩ chuyên nghiệp được ban tổ chức mời từ TP. HCM về. Họ biểu diễn say mê với nụ cười, với những chiếc áo trắng ngả mầu và sự cổ vũ nhiệt tình của đồng nghiệp, họ cất cao tiếng hát ca ngợi Đảng, tình yêu cuộc sống và tình yêu lứa đôi. Không chỉ có các bạn trẻ mà người thợ “lão thành” của Lilama cũng yêu đời không kém. Chú Ba Vân, 49 tuổi, quê ở An Giang “kéo” con trai duy nhất lên công trường tâm sự: “Nhà chỉ còn mình mẹ thằng cu. Tôi đang vận động để “bả” lên công trường cho ấm cúng, nghe chừng bà ấy cũng xuôi xuôi”. Hai cha con gắn bó với Lilama 18 bởi những công trình trọng điểm quốc gia như khí điện đạm Cà Mau, lọc dầu Dung Quất… Đêm rừng núi lộng gió ngàn, mênh mang sao đêm người nghe như lặng đi khi nghe chú Ba Vân hát: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao…”. Khi nhận cành hoa rừng từ tay tôi trao tặng, mắt chú ngân ngấn nước: “Bài hát này đã theo chú đến nhiều công trình trọng điểm quốc gia mà chú cùng Lilama 18 tham gia. Nhưng lần này chú hát giữa núi rừng Bình Phước, hát cùng ca sĩ chuyên nghiệp nhân dịp mừng 64 năm Quốc khánh sao nghe lòng xao xuyến lạ thường”… Sự trẻ trung thân thiện, lòng nhiệt huyết của anh em công nhân nơi đây còn được bày tỏ khi những ca sỹ chuyên nghiệp lên biểu diễn. Anh em không ngần ngại lên biểu diễn như những “vũ công” thực sự và sân khấu, khán đài rung lên bởi sự say mê nồng nhiệt của những người thợ. Họ bày tỏ tình cảm, tình yêu nghệ thuật, với ca sĩ yêu thích bằng những cành hoa dại, bằng chùm nhãn ngọt và bằng sự chân thành mộc mạc. Chăm chú theo dõi những tiết mục của người thợ biểu diễn, ông Nguyễn Văn Kiên – Phó Tổng giám đốc Cty Lilama tâm sự: “Anh em công nhân tại các công trường, làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Vì các công trình trọng điểm nằm ở vùng sâu vùng xa. Ngoài thiếu thốn về vật chất thì món ăn tinh thần càng thiếu hơn. Để giúp cho anh em, nhất là lớp trẻ gắn bó hơn với công trường, chúng tôi đã có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao cho anh em. Đời sống tinh thần của anh em có phong phú, lành mạnh thì hiệu quả công việc mới cao và người lao động mới chịu gắn bó với Cty lâu dài”. |
Tiếng hát trên công trường xi măng Bình Phước
0
Bài trước