Tiếp tục phiên xét xử công – tơ điện tử giả: Tranh luận gay gắt giữa luật sư với đại điện Viện kiểm sát nhân dân

Ngày 1/6, phiên xét xử vụ án mua, đấu thầu và sử dụng công – tơ điện tử giả tại Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục với phần tranh luận diễn ra gay gắt giữa các luật sư với đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) sau khi đã kết thúc phần bào chữa cho 17 bị cáo.

Ở phần bào chữa cho bị cáo nguyên là cán bộ công ty Linkton Vina, các luật sư tiếp tục cho rằng: Thân chủ của mình phạm tội vô ý, không hề có ý giúp sức như trong phần luận tội của VKSND; những hành vi phạm tội này mang tính thụ động, mờ nhạt. Công ty Linkton Vina và công ty Linkton
Singapore khác nhau về mặt pháp lý, nên các luật sư đề nghị VKSND cần tách riêng từng công ty để phần luận tội được khách quan, chính xác hơn.

Đại diện VKSND tiếp tục giữ nguyên quan điểm của mình việc về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với hai nhóm bị cáo; xem việc luận tội đó là có cơ sở, đúng người, đúng tội. Sai phạm của nguyên 12 quan chức công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục được khẳng định (mua, đấu thầu và sử dụng công – tơ điện tử giả). Việc dán nhãn mác ghi xuất xứ
Singapore nhưng sản phẩm lại được sản xuất tại Việt Nam, rõ ràng là để đánh lừa người dân. Nếu như lô hàng đó sản xuất tại Việt Nam và cũng dán nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam thì giá thành chắc chắc sẽ thấp hơn giá được đem ra chào bán là 340.000 đồng/chiếc (về sau tăng lên giá 580.000 đồng/chiếc). Việc chuyển giao công nghệ giữa công ty Linktron Singapore với công ty Linkton Vina diễn ra sau khi công ty Linkton Vina đã sản xuất 312.000 công – tơ điện tử giả, nên không thể coi việc chuyển giao đó là yếu tố chứng minh tính hợp pháp về mặt sản xuất cũng như động cơ phạm tội không rõ ràng, không hề cố ý như của công ty Linkton Vina như các luật sư đã cố lập luận.


Số tiền thiệt hại trước mắt mà các bị cáo gây ra là 8,1 tỷ đồng, những thiệt hại về tinh thần thì không thể lường trước được. Số công – tơ điện tử 312.000 chiếc là hàng giả, Nhà nuớc cấm lưu hành và sẽ bị tịch thu, nên công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh sẽ mất số tiền 181,5 tỷ đồng. Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số hàng trên sẽ giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì thực hiện việc sử dụng trở lại sau khi đã khắc phục về mặt kỹ thuật và các thủ tục pháp lý cần thiết. VKSDN cũng đã đề nghị HĐXX chấp nhận một số tình tiết giảm nhẹ đối với một số bị cáo trong công ty Linkton Vina.

Đại diện VKSND còn cho rằng, trong khi bào chữa, nhiều luật sư đã đưa ra nhiều bằng chứng thiếu căn cứ, trái với quy định của pháp luật.

Luật sư đại diện cho công ty Linkton
Singapore đã thay lời xin lỗi về việc công ty đã có sai phạm trong việc dán nhãn mác không đúng với nguồn gốc sản xuất công – tơ điện tử. Công ty đã khắc phục thiệt hại nên xin được tiếp tục hoạt động tại Việt Nam và xin cơ quan điều tra rút lại lệnh truy nã đối với Wong Justin và Wong Kaho.

Luật sư trần Văn trung cho rằng: 8,1 tỷ đồng thiệt hại không phải là hậu quả của những hành vi sai trái do các bị cáo thực hiện mà đó là thiệt hại do một loạt các thao tác của các cơ quan chức năng trong kiểm tra chất lượng công tơ điện tử. Luật sư này cũng cho rằng, điểm mấu chốt của vụ án là thẩm định chất lượng của 312.000 công – tơ điện tử chứ không phải là thẩm định tính pháp lý của lô hàng đó như VKSND đã giữ nguyên quan điểm trong suốt các phiên xét xử. Nếu như VKSND lấy các văn bản và quyết định của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là tập đoàn Điện lực Việt Nam) để kết luận các bị cáo của công ty Điện lực Tp. Hồ Chí Minh đã cố ý làm trái quy định, thì chính Tổng công ty Điện lực Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm liên đới (thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc mặt quản lý gây ra hậu quả nghiêm trọng) trong khi trách nhiệm này không thấy nêu lên trong bản cáo trạng của VKSND.

Các luật sư khác đã đề nghị đại diện VKSND trong khi luận tội cần làm rõ về hoàn cảnh, động cơ mà bị cáo phạm tội; phủ nhận quan điểm của VKSND cho rằng có “đồng phạm” (vai trò giúp sức) đối với một số bị cáo trong vụ án này. Nếu như VKSND đã kết luận điều đó thì phải chứng minh cho được vai trò “giúp sức” của từng người. Đồng quan điểm với luật sư trần Văn trung, một số luật sư cho rằng, 8,1 tỷ đồng thiệt hại chỉ là thiệt hại sau khi có những “nghi ngờ” về chất lượng của 312.000 công – tơ điện tử để rồi tiến hành tháo gỡ, kiểm nghiệm, rồi thực hiện các thủ tục pháp lý để đem vào sử dụng trở lại chứ không thể nói là 8,1 tỷ đồng thiệt hại vì chất lượng không đảm bảo. Số tiền đó đã được khắc phục.

Từ đó theo các luật sư, việc định khung hình phạt đối với các bị cáo cần được đại diện VKSND cân nhắc, nhằm đánh giá khách quan; miễn truy cứu hình sự, dân sự đối với một số bị cáo. Tính chất mức độ “đặc biệt nghiêm trọng” của vụ án mà quan điểm của đại diện VKSND nêu lên là không thuyết phục.

Ngày 2/6, phiên tòa tiếp tục.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *