KTĐT – Xung quanh thông tin nước thải của Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) gây ô nhiễm môi trường tại khu vực dân cư thuộc tổ 56, phường Ngọc Hà, phóng viên đã tiến hành khảo sát. Thực tế cho thấy, hiện nay, mức độ ô nhiễm tại dòng mương thoát nước thải (nơi Habeco được phép xả thải) đã giảm và ô nhiễm xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đã bớt ô nhiễm Bà Nguyễn Thị Hợi, số nhà 5, ngõ 103/24 Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà cho biết: Khoảng 6 tháng trở lại đây, mùi hôi thối bốc lên từ mương thoát nước này đã giảm đáng kể”. Trước đây, vào chiều hoặc tối, cống thoát nước số 1 của Habeco thường xả ra môi trường nước thải có màu nâu đỏ, màu đen, hoặc trắng đục, mùi hôi quyện với mùi hóa chất, rất khó chịu. Ghi nhận của chúng tôi vào tối 27-4-2009 khi khảo sát cống xả thải số 1 của Habeco tại dòng mương chảy qua tổ dân phố 56 cho thấy, nước thải có màu trắng, không có mùi hôi thối nhưng vẫn có mùi hóa chất. Theo kết quả phân tích môi trường của Trung tâm Phân tích và Môi trường (thuộc Hội Khoa học kỹ thuật phân tích Hóa – Lý và Sinh học Việt Nam), từ cuối năm 2008 trở về trước, một số chỉ tiêu về môi trường của Habeco vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, kết quả kiểm tra ngày 3-12-2008 cho thấy, nước thải xử lý ở miệng thải 1 (M1) có các thông số BOD5, COD cao hơn giới hạn B của TCVN 5945-2005, nước thải sau xử lý miệng xả 2 (M3) có các thông số nằm trong giới hạn B, khí thải công nghiệp của ba lò hơi có các thông số nằm trong giới hạn A quy định cho các cơ sở đang hoạt động của TCVN 5939-2005. Nhưng theo kết quả giám sát môi trường cũng do Trung tâm Phân tích và Môi trường thực hiện mới nhất vào tháng 2-2009 tại Habeco, mức ồn ở 3/16 vị trí trong khu vực sản xuất có giá trị cao hơn giới hạn của TCVN 3985-1999, các chỉ tiêu về nước thải nằm trong giới hạn B. Đang tiến hành sửa chữa thiết bị xử lý nước thải hỏng hóc Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Phong – Giám đốc Điều hành Habeco cho biết: “Đầu năm 2004, hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ vi sinh của Habeco đã đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra lại nhiều lần, hệ thống vận hành khá tốt và đảm bảo yêu cầu. Một số nước trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Brazil… đang sử dụng công nghệ này và đều thấy hiệu quả”. Tuy nhiên, “máy móc của hệ thống xử lý nước thải đôi lúc cũng bị hỏng hóc. Chúng tôi cần khoảng 3 tháng mới sửa chữa xong một thiết bị bị hỏng. Có lẽ, những lúc người dân phản ánh nước thải ra môi trường gây ô nhiễm là lúc hệ thống xử lý nước thải gặp sự cố” – ông Phong nói. Do các thiết bị của hệ thống này Tổng Công ty phải nhập khẩu từ nước ngoài nên thời gian hoàn thành thủ tục và vận chuyển, lắp đặt hoàn tất mất khoảng 5 tháng. Theo tính toán, mỗi ngày Habeco thải ra môi trường khoảng 30.000m3 nước thải. Và với công suất nấu 100 triệu lít/năm như hiện nay của Habeco, hệ thống xử lý nước thải này hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu lọc thải. Ông Nguyễn Văn Hoạt – Tổ trưởng tổ dân phố 56 nhận định: “Ô nhiễm tại khu vực này còn do ý thức của người dân sống chung quanh. Một số hộ dân vứt rác thải, xác súc vật chết xuống mương. Thậm chí, nhà vệ sinh của một số hộ dân khu vực này chưa đảm bảo quy cách, xả trực tiếp ra mương gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng”. Đồng tình với ý kiến người dân tổ dân phố 56, ông Hoạt cho biết thời gian gần đây mức độ ô nhiễm có biểu hiện giảm đáng kể. Nước thải của Habeco ra môi trường ít khi có mùi hôi thối hơn. Ông Hoạt đã 2 lần thay mặt người dân tổ 56 gặp lãnh đạo Habeco để phản ánh bức xúc của bà con và được lãnh đạo Habeco lắng nghe, tiếp thu ý kiến. Người dân tổ 56 phường Ngọc Hà cho biết, thành phố đã cắm mốc lộ giới để tiến hành ngầm hóa hệ thống thoát nước ở khu vực này, nhưng từ rất lâu, những công đoạn tiếp theo của dự án chưa được tiến hành. Mong mỏi của người dân nơi đây là hệ thống mương thoát nước nhanh chóng được ngầm hóa để chấm dứt tình trạng ô nhiễm và đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Theo ANTĐ