Tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng: Tiềm năng lớn đang bị lãng phí












Theo kết quả điều tra tổng quan tiềm năng tiết kiệm năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện, những bất hợp lý trong các giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình kém hiệu quả cách nhiệt và lắp đặt thiết bị đã làm thất thoát nguồn năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng từ 20 – 30%.


Năng lượng tiêu thụ cho khu vực các tòa nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng cao tầng ngay từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23 – 24% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỉ lệ này tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây khi các đô thị phát triển rất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam đang đứng trước sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về năng lượng.Trong khi đó, tiết kiệm năng lượng tiêu thụ trong xây dựng vẫn chưa được quan tâm. Chỉ tính riêng Hà Nội và TPHCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế và xã hội của các biện pháp này.



Nhiều công trình khách sạn cao tầng, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000 m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 2 triệu KWh/năm, trong quá trình vận hành cũng chưa tiến hành công tác kiểm toán năng lượng. Phần lớn các công trình khách sạn và công trình cao tầng mới xây dựng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài thường được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn của nước ngoài, không thích hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Đa số các công trình công cộng như các tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện… được xây dựng trước đây đều dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng các thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao.



Trên thị trường vật liệu xây dựng tại các đô thị Việt Nam hiện còn thiếu hụt các loại vật liệu thân thiện với môi trường; trong công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị hiện tại hoàn toàn chưa quan tâm tới vấn đề hiệu suất năng lượng của công trình xây dựng cao tầng và thương mại, chưa có những hướng dẫn và quy định cụ thể trong thẩm định cấp giấy phép xây dựng cho các loại công trình này.



Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do thiếu chế tài xử lý. Cho đến nay Việt Nam chưa ban hành bộ luật và văn bản dưới luật để bảo tồn và tiết kiệm năng lượng. Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, trên thế giới mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để xây dựng “kiến trúc xanh” là một điều bắt buộc. Các chế tài cho việc ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng cũng rất chặt chẽ. Trong khi đó, nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình “kiến trúc xanh”, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ.



Theo các chuyên gia ngành xây dựng, nếu áp dụng tốt từ khâu thiết kế thi công đến vận hành công trình, chúng ta có thể tiết kiệm từ 15-30% nhu cầu tiêu dùng về điện năng trong khu vực các tòa nhà. Đây là một con số không nhỏ, không những mang lại hiệu quả kinh tế xã hội lớn cho các chủ đầu tư, chủ công trình, người sử dụng, mà còn đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững đô thị, giảm nhẹ các tác động đến môi trường.


 



T.D

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *