|
KTĐT –Mặc dù nhiều ngân hàng rộng cửa “bơm” vốn ra thị trường, trong đó có cả tín dụng bất động sản, nhưng trên thực tế, để tiếp cận nguồn vốn này không hề dễ đối với nhà kinh doanh bất động sản. Nguồn vốn cho vay chủ yếu tập trung vào tín dụng bất động sản tiêu dùng (nhà, đất trả góp). Ngoài ra, giới ngân hàng chỉ tập trung hỗ trợ chủ đầu tư triển khai, xây dựng dự án về nhà ở.
Riêng với nhà đầu tư kinh doanh bất động sản, các ngân hàng cho biết, chưa thể mạnh tay cho vay vì diễn biến thị trường nhà, đất còn phức tạp và chưa thể nói đã chạm “đáy”. Các ngân hàng đã rút ra bài học từ đợt biến động giá bất động sản trong năm 2007, nên phần nào thận trọng hơn trong cho vay kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Hàng hải (Maritime Bank) cho biết, tại Maritime Bank, hiện vẫn triển khai cho vay trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, theo ông Tùng, Ngân hàng chọn lọc kỹ khách hàng và chủ yếu hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư dự án vay để triển khai đầu tư chung cư, nhà ở…
Lãi suất cho vay đối với tín dụng bất động sản tại Maritime Bank áp dụng trần cho phép 10,5%/năm và cho vay mua nhà trả góp đối với khách hàng cá nhân theo thỏa thuận giữa hai bên. Ông Tùng cũng cho biết, Maritime Bank hạn chế cung ứng vốn cho đối tượng khách hàng kinh doanh bất động sản.
Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm trở lại sau đợt sụt giảm mạnh trong năm 2008. Thế nhưng, ngân hàng đẩy vốn cho vay kinh doanh bất động sản trong bối cảnh hiện nay luôn tỏ ra thận trọng, nhằm hạn chế tối đa nợ xấu. Trên thực tế, trong năm qua, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng tại một số ngân hàng chủ yếu rơi vào mảng tín dụng bất động sản. Nguyên nhân thị trường nhà đất xì hơi sau đợt “sốt” hồi năm 2007.
Tại nhiều ngân hàng TMCP, cho vay kinh doanh bất động sản hiện vẫn là lĩnh vực khá nhạy cảm và luôn được đề cao cảnh giác. Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) cho biết, đã rộng cửa hơn với tín dụng bất động sản kể từ những tháng đầu năm 2009. Trong đó, DongA Bank hỗ trợ vốn cho chủ đầu tư triển khai dự án còn dở dang cũng như dự án mới. Đáng chú ý, việc liên kết với chủ đầu tư để hỗ trợ vốn vay cho khách hàng có nhu cầu về nhà ở, căn hộ chung cư… sẽ được DongA Bank đáp ứng. Song Ngân hàng sàng lọc khá kỹ đối với khách hàng kinh doanh bất động sản.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, dư nợ cho vay bất động sản của Ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở kiểm soát chặt rủi ro. Theo ông Nam, nếu chủ đầu tư có nhu cầu về vốn vay để tiếp tục triển khai dự án cũ cũng như dự án mới sẽ được VIB cho vay. Tuy nhiên, trước khi cung ứng vốn vào lĩnh vực này, Ngân hàng luôn chọn lọc kỹ khách hàng và thường từ chối nhu cầu của giới kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng bất động sản ở một số ngân hàng như Sacombank, ACB, Eximbank, DongA Bank… có tăng so với cuối năm trước, chiếm tỷ lệ trên dưới 25% trên tổng dư nợ, nhưng đa số là dư nợ bất động sản tiêu dùng. Thậm chí, có ngân hàng chỉ cho vay bất động sản tiêu dùng, đơn cử như ACB. Còn nguồn vốn cho vay kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Bởi đây được xem là nguyên nhân dẫn đến việc xì hơi bong bóng của thị trường nhà, đất thời gian qua.
Trên thực tế, dù đã có nhiều kiến nghị, nhưng hiện doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng không được hưởng mức hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Đối với tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đi đôi với mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các nhu cầu vay vốn để sản xuất – kinh doanh, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông thôn và các dự án lớn; kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Đồng thời, các ngân hàng phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về cho vay, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; nghiêm cấm nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng.
Theo Đầu tư Chứng khoán