Trang chủ » Tổ chức Công đoàn trong DN ngành Xây dựng: Cần đổi mới phương pháp

Tổ chức Công đoàn trong DN ngành Xây dựng: Cần đổi mới phương pháp

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Kiện toàn, sắp xếp tổ chức công đoàn (CĐ) trong các DN như thế nào để nâng cao năng lực của từng cấp CĐ, bảo đảm thực hiện tốt nhất chức năng đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; làm gì để hệ thống CĐXDVN bảo đảm tính thống nhất về ngành nghề, là tổ chức đại diện cho quyền lợi của CNVC – LĐ ngành Xây dựng trên cả nước… là những vấn đề được đưa ra tại hội thảo “Tổ chức CĐ trong DN ngành Xây dựng – thực trạng và đề xuất phương hướng sắp xếp, kiện toàn”, do CĐXDVN tổ chức…


phát động thi đua trên các công trường – hoạt động thường xuyên của CĐXDVN.

Sớm thích nghi với môi trường mới

trong những năm qua, ngành Xây dựng đã tích cực triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Đến nay hầu hết các DN trong Ngành đã tiến hành CpH và chuyển đổi mô hình tổ chức và quản lý mới. Đặc biệt mới đây nhất, hai Tập đoàn kinh tế trong Ngành cũng chính thức được ra mắt, đi vào hoạt động, đó là Tập đoàn phát triển Nhà và Đô thị VN và Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng VN. Như vậy, rất nhiều loại hình DN mới đang hoạt động trong Ngành. Việc chuyển đổi các mô hình DN như vậy là xu hướng tất yếu, tạo điều kiện để các DN đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều DN trong Ngành đã vươn lên từ vị trí làm thuê thành chủ đầu tư, làm chủ công nghệ tiên tiến, vươn được cả ra nước ngoài… Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, các DN cũng bộc lộ những hạn chế: Do chạy theo lợi nhuận nên quyền lợi của người lao động (NLĐ) dễ bị xâm hại, những bức xúc của NLĐ chậm được giải quyết, tranh chấp lao động có nguy cơ bùng phát, chênh lệch thu nhập cao dẫn đến phân hóa giàu nghèo… trong hoàn cảnh đó, hơn lúc nào hết tổ chức CĐ phải phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, các đoàn viên của mình. Song hành cùng DN và NLĐ, trong những năm qua, tổ chức CĐ trong Ngành luôn được kiện toàn về tổ chức và đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đã góp phần giữ vững, ổn định, phát triển DN.

Với tổng số hơn 200 nghìn CNVC-LĐ trong Ngành, trên 146 nghìn đoàn viên với gần 600 CĐCS, CĐXDVN là một trong số ít các CĐ ngành trung ương có số lao động và đoàn viên tương đối lớn. Theo đánh giá của TLĐLĐVN cũng như thực tế tại các đơn vị, hoạt động của các CĐCS trong Ngành đã sớm thích nghi trong nền kinh tế thị trường, phối hợp tốt với chuyên môn tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến NLĐ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Thực tế, trong những năm qua, tình trạng đình công ở các ngành khác xảy ra rất nhiều, nhưng gần như chưa xảy ra ở ngành Xây dựng. phần nào đã chứng minh cho những hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ trong Ngành.


Công nhân lao động thường xuyên được tập huấn – chăm lo ATLĐ.

Giữ nguyên mô hình tổ chức CĐ

Theo phó chủ tịch CĐXDVN Đặng Hữu Hoàn, những kết quả hoạt động của CĐ các DN thuộc Ngành thời gian qua đã chứng minh một thực tế: Dù cho mô hình tổ chức ở các DN có sự thay đổi nhưng tổ chức và hoạt động của CĐ vẫn luôn ổn định và phát huy được, phù hợp với quá trình đổi mới, phát triển DN của Ngành. trước ý kiến cho rằng hiện nay mô hình tổ DN trong ngành có 5 cấp, nhưng mô hình tổ chức CĐ thì có 4 cấp: TLĐLĐVN, CĐ ngành trung ương, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở (các TCty, Cty mẹ, Cty trực thuộc…) và tổ chức CĐCS.

Vậy có nên thành lập CĐ trong các tập đoàn hay không, cần làm gì để hệ thống CĐXDVN bảo đảm tính thống nhất về ngành nghề, là tổ chức đại diện cho quyền lợi của tất cả CNVC-LĐ ngành Xây dựng trên cả nước cần thành lập tổ chức CĐ…? ông Hoàn phân tích: Tập đoàn là mô hình kinh tế đa sở hữu, đa ngành nghề, tổ chức CĐ trong tập đoàn không phải là CĐ ngành nghề. Vì như vậy, hoạt động CĐ sẽ rất khó trong việc chỉ đạo, vì chỉ có những đoàn viên CĐ trong cùng một ngành thì mới có cùng đặc thù nghề nghiệp, cùng tâm tư, nguyện vọng và họ gửi gắm niềm tin vào CĐ ngành nghề. Hơn nữa tập đoàn không có tư cách pháp nhân, lãnh đạo Cty mẹ không ký kết HĐLĐ với NLĐ tại các Cty con nên CĐ tập đoàn không thể đại diện cho NLĐ trong tập đoàn. Chỉ có CĐCS mới là tổ chức đại diện cho NLĐ ký thỏa ước lao động tập thể và giám sát việc ký, thực hiện HĐLĐ tại DN.

Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Chính – trưởng ban Tổ chức CĐXDVN khẳng định: Không nhất thiết khi phần vốn nhà nước tại các DNNN chuyển từ một cơ quan này sang một cơ quan khác quản lý thì các tổ chức chính trị – xã hội lại thay đổi hay chuyển theo. Ông Chính nêu ví dụ: TCty Vinaconex và Constrexim Holdings đã cổ phần hóa, vốn Nhà nước chuyển từ Bộ Xây dựng về Bộ Tài chính quản lý, nhưng CĐ vẫn tiếp tục trực thuộc và sinh hoạt tại CĐXDVN theo hệ thống CĐ ngành nghề, vì DN này vẫn có ngành nghề là xây dựng. Chính vì vậy nên giữ nguyên mô hình tổ chức của CĐXDVN nói riêng và CĐ ngành nghề như hiện nay là hợp lý và cần thiết. Đại diện CĐ của các TCty như COMA, Viglacera, Miền trung cũng như đa số ý kiến của các CĐCS cũng đều cho rằng nên giữ nguyên mô hình tổ chức CĐ như hiện nay, không có CĐ của tập đoàn.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn trần Nam cũng nêu quan điểm: Việc hình thành các tập đoàn là do nhiều DN tập hợp tạo sức mạnh, quan hệ giữa các DN là quan hệ về vốn, không phải bằng mệnh lệnh hành chính. Do là thí điểm nên các tập đoàn còn nhiều biến động, cần thời gian để hoàn thiện mô hình, trong khi đó các tổ chức chính trị – xã hội vẫn đang hoạt động ổn định, cần giữ nguyên như vậy, tránh xáo trộn. Tổ chức CĐXDVN là tổ chức có truyền thống đoàn kết, gắn bó lâu đời. Hoạt động trong tổ chức này, CĐ các đơn vị sẽ ngày càng mạnh hơn, tạo sự phát triển ổn định cho các DN.

Đồng nhất với chủ trương này của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Văn Dũng – Viện trưởng Viện Công nhân và CĐ (TLĐLĐVN) cũng cho rằng không nên vội vã và máy móc trong việc vận dụng quyết định của Chính phủ về thành lập tập đoàn, nên giữ nguyên trạng hệ thống CĐ TCty xây dựng trực thuộc CĐXDVN như hiện nay, lập CĐCS Cty mẹ – tập đoàn về CĐXDVN.


Công đoàn mạnh sẽ tạo đà cho DN phát triển.

Xây dựng CĐCS vững mạnh

Chủ tịch CĐXDVN Nguyễn Văn Bình khẳng định: Để phù hợp với tình hình mới hiện nay, CĐXDVN sẽ tiếp tục kiện toàn, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động để tạo sức hút, sức lôi cuốn, thực sự phát huy vai trò là người đại diện của tập thể CNVC-LĐ trong từng đơn vị, toàn ngành.

trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng – Viện trưởng Viện Công nhân và CĐ gợi ý về phương pháp hoạt động: CĐXDVN cần phát huy tính chủ động và trách nhiệm của mình trong việc củng cố và phát huy vai trò của hệ thống CĐ ngành Xây dựng các tỉnh thành, mạnh dạn chuyển giao các CĐCS có ngành nghề kinh doanh khác với ngành Xây dựng.

Cùng với những khó khăn, bất cập của hoạt động CĐ khi chuyển đổi mô hình DN, CĐ các TCty cũng đề xuất phương hướng kiện toàn, đổi mới. Ông Nguyễn Xuân trường – Chủ tịch CĐ TCty VLXD số 1 cho rằng: Nội dung CĐ phải được cụ thể hóa bằng các phong trào cụ thể. Cán bộ CĐ phải được coi là yếu tố then chốt, thể hiện được vai trò đại diện cho NLĐ, nắm được tâm tư nguyện vọng của NLĐ, nhạy cảm với mọi sự chuyển biến của cơ chế thị trường… Có như vậy mới có thể tham gia với DN, với giới chủ về tiền lương, thưởng, chế độ chính sách.

Chủ tịch Nguyễn Văn Bình cho biết: Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm khác thì việc kiện toàn các CĐCS, đầu tư các hoạt động về cơ sở là một trong những nhiệm vụ hàng đầu vì CĐCS là nền móng của hệ thống CĐ. Đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ CĐCS, xây dựng CĐCS thật sự vững mạnh, có như vậy hoạt động CĐ trong toàn hệ thống mới thực sự đạt hiệu quả và bền vững, làm tốt chức năng của mình.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.