|
Hanoinet – UBND TP.HCM đã có những nội dung cụ thể cho chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe 3 – 4 bánh tự chế. Nhưng nhiều người nghèo mưu sinh bằng các phương tiện sẽ bị cấm này không biết mình sẽ được giúp đỡ gì, thậm chí nhiều khả năng “ngoài vùng phủ sóng” hỗ trợ vì chỉ ở trọ nay đây mai đó.
Hỗ trợ nhiều, người nghèo sẽ nhận bao nhiêu?
Người nghèo sử dụng xe 3 – 4 bánh tự chế được hỗ trợ đào tạo nghề để chuyển đổi công việc. Mức hỗ trợ đào tạo nghề tối đa không quá 3,6 triệu đồng/người cho mỗi khóa học đối với đào tạo trung cấp và sơ cấp. Mức hỗ trợ ban đầu (không hoàn lại) cho mỗi hộ nghèo có sử dụng xe 3 – 4 bánh là 7 triệu đồng.
Những hộ nghèo cần vốn lớn hơn mức hỗ trợ ban đầu (7 triệu đồng) để sản xuất kinh doanh sẽ được vay vốn bổ sung. Số vốn này được hỗ trợ bù lãi suất trong thời gian ba năm, thuộc quỹ xóa đói giảm nghèo hoặc từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cũng theo nội dung UBND TP.HCM đặt ra, 100 hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 5 triệu đồng/người/năm trở xuống sẽ được hỗ trợ xe môtô hai bánh làm phương tiện sinh sống.
Nội dung trên vừa được UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nhằm có chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe 3 – 4 bánh tự chế.
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP.HCM cho rằng, có thể thấy mức hỗ trợ trên có nhiều ưu đãi cho người dân lao động nghèo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi, đào tạo nghề sẽ cần một khoảng thời gian để đào tạo, cấp giấy phép lái xe cho hàng chục nghìn chủ phương tiện là khó khăn lớn.
Chưa kể đến, nhiều người thuộc diện được hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí nhưng do trình độ học vấn quá thấp (chưa tốt nghiệp tiểu học), do lớn tuổi, khi nói tới đi học họ rất ngại nên không đi.
Ngoài ra, người dân chắc chắn không dễ vay vốn bởi phần lớn các chủ phương tiện là đối tượng có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp, ở trọ không có mã số… nên không đủ điều kiện vay vốn.
Vì thế, cần có những phương pháp thích hợp, vận động hợp tình hợp lí, tránh tình trạng có nhiều sự hỗ trợ nhưng người nghèo lại không được nhận, ông Đằng nói.
“Tôi chỉ biết cấm chứ không biết có hỗ trợ”!
Chỉ muốn lại được đạp xích lô chở hàng, đó là ước mơ của anh Trần Văn Long, một người có thâm niên lái xích lô hơn 20 năm ở quận 7, TP.HCM. Anh kể, trước đây mỗi ngày anh kiếm được 100 – 150.000 đồng tiền đạp xích lô chở hàng. Vì cấm xích lô nên anh phải vay mượn cầm cố mua xe Honda chở khách, thu nhập chỉ bằng một nửa trước đây mà nhiều khi thấy bất an vì vẫn chưa chạy quen xe.
Anh Long cho hay dù không quen chạy xe máy nhưng vẫn liều mạng vì mưu sinh, trường hợp của anh Long cũng giống nhiều người khác đã từng gắn bó với nghề đạp xích lô.
Khi nói tới việc Thành phố sẽ có sự hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người sử dụng phương tiện xe 3, 4 bánh, anh Long nói: “Có hỗ trợ à? Trước tới giờ tui chỉ biết cấm thôi”.
Cũng ước muốn lại làm nghề đạp xích lô chở hàng là anh Bùi Quang Hải, một thợ chuyên ép dẻo các loại giấy tờ trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Tân Bình) cho biết: Khi cấm xe xích lô, anh đã chuyển nghề ép dẻo, mỗi ngày chỉ kiếm được trên dưới 50.000 đồng, bằng một nửa thu nhập lúc chạy xích lô. Có ngày chỉ ép được 2 giấy tờ, thu được 16.000 đồng.
Đáng buồn là, vì bị cấm xe xích lô mà phải đổi nghề, nhưng nay mai chắc chắn rồi chiếc xe tự chế này cũng bị cấm. Anh Hải không biết gì về chuyện có được hỗ trợ gì để chuyển đổi nghề hay không. Thậm chí anh cũng không biết sẽ cấm luôn những chiếc xe tự chế như xe anh đang hành nghề.
Nói tới việc sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, anh Phan Thọ Nghĩa, một lái xe Honda ôm ở quận 4, TP.HCM cho rằng: “Chạy xe cả ngày về nhà chỉ muốn ngủ, nghỉ. Không biết đi học nghề lúc nào”. Hơn nữa, theo anh Nghĩa: “Nếu bỏ không chạy xe, đi học nghề thì tiền đâu nuôi con”…
Cũng theo anh Nghĩa, những hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ (hỗ trợ lãi vay chỉ 4%/năm) là mơ ước của nhiều hộ nghèo. Nhưng thực tế, chỉ hộ nghèo có KT1, KT2, KT3 mới được sự hỗ trợ này. Điều này rất thiệt thòi cho những người nghèo ở trọ nay đây mai đó, không có hộ khẩu hay KT3 giữa Sài Gòn như anh.
“Đáng buồn là những người như thế lại chiếm một phần nhiều trong số người hành nghề xe 3, 4 bánh, xe tự chế hiện nay” – anh Nghĩa nói.
Theo VNN