TP.HCM: phấn đấu “không dây” trong 100 năm?



Giám đốc sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà khẳng định tại cuộc họp báo về tranh chấp giữa “dây điện và cáp viễn thông” diễn ra sáng 3-4 rằng, một trăm năm nữa vẫn khó thể ngầm hóa toàn bộ hệ thống dây dẫn điện và các loại cáp đang lơ lửng trên đầu. Tuy nhiên, sắp tới sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, nhất là công ty Điện lực TP.HCM để xóa dần “mạng nhện” trên các trụ điện ở thành phố hiện nay.









Giám đốc sở Thông tin và truyền thông TP.HCM nói rằng một trăm năm nữa thành phố chưa thể ngầm hóa hết được các loại dây điện, cáp viễn thông…


“Cuộc chiến” cột điện chưa có hồi kết


Ông Nguyễn Thanh Lâm, trưởng ban Viễn thông và công nghệ thông tin, tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), nói rằng đơn giá cho treo cáp viễn thông vào cột điện đã áp dụng từ năm 2003. Thời gian áp dụng đã lâu, hơn nữa khi đó mức giá chỉ mang tính… tượng trưng. Đây có thể là nguyên nhân khiến các đơn vị kinh doanh viễn thông treo cáp tràn lan, thay vì đầu tư hệ thống, kéo dây. Việc EVN điều chỉnh tăng giá có thể sẽ hạn chế bớt tình trạng treo cáp và để EVN hoàn thành tốt nhiệm vụ cung cấp điện.


Theo ông Lâm, mức giá mà EVN mới đưa ra căn cứ trên mặt bằng giá cả chung, có tính đến lợi ích và sự công bằng giữa các bên. Theo tính toán, áp theo đơn giá mới thì các doanh nghiệp viễn thông vẫn lợi hơn nhiều so với phương án tự xây cột. Ngoài ra, chi phí thuê cột điện treo cáp của hai đơn vị của VNPT ở TP.HCM khoảng 3 tỉ đồng, chiếm khoảng 1/1.000. Tính chung cho cả tập đoàn VNPT thì trong năm 2008 đã chi 67 tỉ đồng cho việc thuê treo cáp trên toàn quốc, so với doanh thu cả năm là 55.000 tỉ đồng.


“Chi phí đó rất nhỏ so với doanh thu và lợi ích của đơn vị này. EVN tăng giá trên ngữ cảnh như vậy, và có cân nhắc đến lợi ích của viễn thông”, ông Lâm lý giải.


Về thắc mắc, EVN có ra thời hạn cuối cùng để các công ty viễn thông trả lời ký tiếp hợp đồng hay tháo dây, cũng như EVN có dự định sẽ nhượng bộ, bớt giá hay không, ông Lâm không trả lời mà cho rằng, thỏa thuận treo cáp, đơn giá chỉ đơn thuần là quan hệ kinh tế giữa ngành điện và các doanh nghiệp viễn thông.


Bỏ ngỏ quyền lợi người dân


Củng cố thêm cơ sở tăng giá, ông Lâm cho biết, tính ra chi phí cho tất cả các cáp “trèo” lên cột điện ở TP.HCM chỉ khoảng 16.000 đồng/cột/tháng, rất thấp so với chi phí các doanh nghiệp viễn thông bỏ ra để đầu tư mới.







Theo ông Lê Mạnh Hà, cũng giống như cáp “bấu” vào trụ điện, hiện trên các nóc nhà của người dân mọc lên các trạm phát sóng BTS, ăngten. Đây là mặt trái của sự phát triển của ngành bưu chính, viễn thông.


Quan điểm của ông Lê Mạnh Hà là các đơn vị viễn thông và điện xài chung hạ tầng. Chứ nếu mạnh ai nấy cùng trồng trụ thì thành phố trông mất mỹ quan. Vấn đề đặt ra là phải có biện pháp quản lý phù hợp. Ông Hà cũng đề nghị EVN phải tính giá cho thuê trụ phù hợp, sử dụng số tiền thu được từ việc cho thuê đó như thế nào, có trích lại phần nào cho thành phố hay không. Ông Nguyễn Thanh Lâm nói, nếu nhà nước yêu cầu thì EVN sẵn sàng trích lại.

Theo ông Nguyễn Văn Lý, phó giám đốc công ty Điện lực thành phố, theo chỉ đạo của EVN, công ty có mời các doanh nghiệp viễn thông tái ký hợp đồng theo đơn giá mới nhưng không tìm được sự đồng thuận và các doanh nghiệp viễn thông cũng không phản hồi là ký tiếp hay ngưng, không treo cáp nữa. “Chúng tôi chưa thể ký lại 26 hợp đồng treo cáp đã ký”, ông Lý nói.


Tuy nhiên, chính sự “giằng co” của hai ngành viễn thông, điện lực khiến hàng triệu người dân “lên ruột”. Họ đang lo ngại, nếu các bên không đạt được thỏa thuận, ngành điện tháo cáp viễn thông thì không thể sử dụng điện thoại, internet, cáp truyền hình nữa… Mặt khác, nếu chấp nhận giá thì các đơn vị cung cấp dịch vụ điện thoại, truyền hình cáp… sẽ có cách “gỡ” lại và người dân sẽ phải tốn thêm chi phí.


Với khoảng 1 triệu cột điện trên cả nước đang “cõng” cáp viễn thông, trong năm 2008 ngành điện thu về hơn 80 tỉ đồng. Trong đó, ở TP.HCM, với trên 190 ngàn cột điện, trong năm 2008 công ty Điện lực TP.HCM kiếm được 34 tỉ đồng. Điều người dân băn khoăn là khoản thu này có được xem xét là nguồn thu để “hỗ trợ” vào giá bán điện cho người dân hay không.


Xóa dần “mạng nhện” dây cáp trong… 100 năm


Ông Lâm khẳng định, ngay từ đầu, ngành điện không thiết kế trụ điện để treo cáp viễn thông, không tính “kinh doanh trụ điện” mà chỉ muốn từ chi phí tăng thêm quay lại đầu tư cho việc bảo dưỡng, duy tu. Tuy vậy, ông Lâm cho rằng sẽ sẵn sàng cho treo cáp nhưng đi kèm là phải bảo đảm an toàn kỹ thuật, chỉ cho treo một số lượng nhất định. Hiện tại có trường hợp cáp viễn thông kéo đổ cột điện, gây mất mỹ quan, mất an toàn cho người đi đường, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng lặp lại trật tự.


Hiện bộ Thông tin và truyền thông có chủ trương ngầm hóa các tuyến cáp thông tin. Trước mắt, trong năm 2009 sẽ thực hiện tại TP.HCM để dần hạ ngầm các tuyến thông tin trong thành phố. Theo ông Lê Mạnh Hà, trong bối cảnh hiện nay mà nghĩ đến “thành phố không dây” thì rất khó khả thi. “Trên nhiều tuyến đường ở thành phố đã nhiều lô cốt lắm rồi, nếu ngầm hóa thì lô cốt nhiều lắm, và chắc cả trăm năm nữa mới ngầm hóa được”, ông Hà nói.


Cho nên, trong thời gian này thực hiện ngầm hóa ở khu vực nào, tuyến đường  nào thì cần cân nhắc và làm thí điểm chứ không thể cùng lúc ngầm hết được. Ở những nơi chưa ngầm, đi nổi thì phải treo đúng kỹ thuật, mỹ quan.


Theo ông Hà, hiện nay gần như không một “ông” nào treo cáp lên trụ điện đúng kỹ thuật. Sắp tới, sở Thông tin và tuyền thông sẽ yêu cầu gắn “thẻ” nhận dạng lên các dây cáp một và yêu cầu các doanh nghiệp treo cáp đúng quy cách, đúng kỹ thuật. Sở cũng sẽ mở rộng việc xử phạt các đơn vị treo cáp không đúng quy định sẽ cùng chấn chỉnh việc treo cáp, lập lại trật tự tình trạng “mạng nhện” trên địa bàn thành phố.


Theo KIỀU PHONG – QUỐC ẤN /Sài Gòn tiếp thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *