Hiện nay TP.HCM chỉ đáp ứng được 81% tỷ lệ nước sạch. Sau 5 năm chưa điều chỉnh giá nước, ngành nước đang bị lỗ và đứng trước những khó khăn không có vốn để tái đầu tư cũng như tăng chất lượng nước và giảm tỷ lệ thất thoát. TCty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) hiện quản lý khoảng 3.300km đường ống, trong đó có khoảng 700km ống cần phải thay mới để giảm tỷ lệ thất thoát.
Theo ông Lý Trung Dân, Phó Tổng giám đốc Sawaco thì tỷ lệ thất thoát nước của TCty khoảng 40%, có khoảng 700km ống hoạt động gần 30 năm cần phải thay mới, tốc độ thay ống mới phải hơn tốc độ của ống cũ mới mong giảm được khả năng thất thoát. Nhưng để có nguồn thu cũng như khả năng chi trả vốn vay rất khó nếu TP không phê duyệt giá nước mới theo đề xuất của TCty. Từ năm 2005 đến nay mỗi năm Sawaco đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để thay mới được khoảng 54km đường ống nước, chủ yếu đường ống nhỏ từ 100 – 400 ly. Kế hoạch cho 4 năm tiếp theo Sawaco sẽ phải đầu tư khoảng hơn 200 tỷ đồng/năm để thay mới 100km ống cũ (ống trung và lớn từ 500 – 1.500 ly). Nhưng cái khó hiện nay của Sawaco là vốn vay và khả năng chi trả. Mới đây UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Sawaco “xác định quyền thu tiền sử dụng nước” để thế chấp vay ngân hàng đầu tư một số dự án. Ông Dân rất bức xúc: “Cty đưa hệ thống mạng ra thế chấp vay vốn nhưng ngân hàng từ chối, mặc dù giá trị đầu tư của hệ thống mạng lớn gấp đôi nhà máy sản xuất”. Hiện nay Sawaco có khoảng 700 nghìn khách hàng, trong đó có khoảng 100 nghìn khách hàng dùng dưới 4m3/tháng và 44 nghìn khách hàng không dùng khối nước nào kể từ khi lắp đặt đồng hồ, trong khi đó chi phí lắp đặt đồng hồ, bảo dưỡng… rất lớn nhưng không thu được đồng nào.
Hiện Sawaco đề xuất cách tính mới, áp dụng theo hộ gia đình chứ không tính trên đầu người nữa vì rất khó quản lý nhân khẩu của từng hộ. Theo đó, nước sinh hoạt chỉ có 2 định mức: dưới hoặc bằng 10m³/hộ, giá 4.500 đ/m³; trên 10m³/hộ, giá 7.900 đ/m³. Đối với đơn vị hành chính – sự nghiệp và đơn vị sản xuất gộp chung mức giá 8.000 đ/m3. Đơn vị kinh doanh, dịch vụ giá 13.000 đ/m³. Hiện nay biểu giá cũ quy định nước sinh hoạt có 3 mức giá: Trong định mức 4m³/người, giá 2.700đ/m³; từ 4 -6m³/người, giá 5.400 đ/m³; trên 6m³/người, giá 8.000 đ/m³. Đối với cơ quan hành chính – sự nghiệp, đoàn thể giá 6.000 đ/m³. Đối với đơn vị sản xuất giá 4.500 đ/m³; kinh doanh, dịch vụ giá 8.000 đ/m³. Theo tính toán của Sawaco, nước sinh hoạt tiêu thụ chiếm 60%, do đó 6 phương án đưa ra lần này bù qua sớt lại các loại nước với nhau, để có một cái giá hợp lý nhất. Và ông cũng thừa nhận ở một số khu vực cuối nguồn như Q.7, Nhà Bè, Cần Giờ nước vẫn còn quá yếu, nhiều khi TCty phải chở bằng xe bồn đến cho người dân. Bà Nguyễn Thị Kim Quang, tại C7, khu phố 13, P.17, Q.Gò Vấp cho rằng: “Về giá, Nhà nước có thể điều chỉnh, nhưng áp đặt theo hộ là không hợp lý vì có hộ ít người, hộ nhiều người”. Nhiều bà con ở đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, Nhà Bè khu vực luôn bị thiếu nước than thở, sắp tới TP điều chỉnh giá nước tăng, không biết chất lượng nước có được cải thiện, họ có còn cảnh phải thức đêm để hứng từng xô nước ăn? |
TP.HCM: Tăng giá nước, có tăng chất lượng?
1
Bài trước