TP Sóc Trăng: Bao giờ vỉa hè được thông thoáng ?










Chỉ một góc vỉa hè, buổi sáng là nơi bán thức ăn, buổi trưa được bán nước giải khát, buổi chiều thì bán vài món nhậu bình dân… Đó là hình ảnh đã trở thành quen thuộc rất dễ bắt gặp ở nhiều ngả đường, con phố ở TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ai cũng biết vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, tạo ra vẻ mỹ quan cho một đô thị phát triển hiện đại. Lâu nay, hình thức mua bán trên các vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường luôn làm đau đầu những nhà quản lý. Bởi cùng với những vấn nạn như: mua bán mất trật tự, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường… còn tạo ra hình ảnh nhếch nhác của một đô thị loại III như TP Sóc Trăng. Vậy bao giờ mới trả lại đúng “tên”, đúng chức năng của nó?



Nhiều đường phố ở TP Sóc Trăng  vỉa hè bị lấn chiếm để mua bán, giữ xe…




Có thể nói, phần đông những người mua bán trên các vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường… đều là dân nghèo, nên họ tận dụng tất cả những nơi có thể mua bán được để làm chỗ mưu sinh. Tuy nhiên, việc mua bán không có địa điểm ổn định đến nay nhiều người vẫn chưa thoát khỏi cảnh nhọc nhằn. Do đó, việc bố trí sắp xếp lại điểm bán cho những hộ này không chỉ mang ý nghĩa xã hội, mà còn là điều kiện cần của một đô thị văn minh. Tại các khu chợ, trung tâm thương mại chưa có quy định về việc cho phép sử dụng vỉa hè, nên nhiều nơi cứ vô tư lấn chiếm. Điển hình như tình trạng mua bán lấn chiếm vỉa hè vẫn tồn tại ở nhiều tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, Phan Châu Trinh, Đồng Khởi, Nguyễn Văn Trỗi… Ngoài việc vỉa hè bị lấn chiếm để mua bán, giữ xe… một số tuyến đường có vỉa hè quá nhỏ như đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Hùng Phước… không còn chỗ dành cho người đi bộ. Do nhiều tuyến đường được lót gạch vỉa hè khang trang nhưng người dân phải đi xuống lòng đường vừa gây nguy hiểm, vừa bất hợp lý trong quản lý đô thị. Đây cũng là thực tế đang diễn ra ở trung tâm TP Sóc Trăng hiện nay



Thông tư số 04/2008/TT-BXD hướng dẫn hoạt động xây dựng và khai thác sử dụng đường bộ đô thị với mục đích mang lại sự thống nhất, đồng bộ trong xây dựng; quản lý và khai thác hệ thống đường trong đô thị (từ đô thị loại 5 trở lên), nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, sử dụng đúng mục đích vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị. Theo đó, sẽ không được phép sử dụng đường đô thị để họp chợ, kinh doanh ăn uống, bày hàng hóa… Không được trông giữ xe máy, ôtô và các phương tiện cơ giới khác trên hè phố, lòng đường hoặc để xe không đúng nơi quy định. Không được lắp đặt bục, bậc tam cấp vào nhà gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông, mất mỹ quan đô thị. Việc lắp đặt biển quảng cáo cũng phải được phép của ngành xây dựng, giao thông. Tất cả những vi phạm trong qui định này sẽ được xử lý nghiêm khắc, triệt để theo pháp luật, không ngoại trừ trường hợp nào. Thực tế đã chứng minh, việc sắp xếp lại các điểm mua bán để đảm bảo trật tự, vệ sinh môi trường, vừa là nhu cầu, vừa là sự tất yếu của một đô thị văn minh. Việc làm này sẽ tác động tích cực đến việc hình thành những điểm mua bán mới và cả thói quen trao đổi, mua bán hàng hóa. Thiết nghĩ, vì lợi ích chung của cả cộng đồng và vì một đô thị xanh-sạch-đẹp-văn minh, người dân cần nghiêm túc thực hiện.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *