Ngày 21/1, các hình ảnh về quá trình hình thành và phát triển hệ thống Văn Miếu Việt Nam đã được Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm tại Nhà Thái học, khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Với hơn 80 bức ảnh về kiến trúc, thác bản văn bia cùng những hiện vật liên quan đến tế tự, khoa cử, lưu danh…, triển lãm đã giới thiệu đến công chúng cái nhìn khái quát về hệ thống Văn Miếu Việt Nam.
Một góc Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội
Trong số này, nổi lên là Văn Miếu-Quốc Tử Giám Thăng Long và Văn Miếu Huế là hai Văn Miếu cấp Trung ương lớn nhất và đứng đầu trong hệ thống di tích Nho học Việt Nam.
Các Văn Miếu hàng tỉnh phía Bắc được giới thiệu tại triển lãm còn có Văn Miếu Mao Điền-Hải Dương, Xích Đằng-Hưng Yên.
Các Văn Miếu phía Nam có Khổng Tử Miếu Hội An-Quảng Nam, Văn Miếu Trấn Biên-Đồng Nai, Văn Miếu Cao Lãnh-Đồng Tháp, Văn Miếu Vĩnh Long-Vĩnh Long…
Kiến trúc Văn Miếu hàng tỉnh được giới thiệu tại triển lãm gồm có cổng, gác chuông, gác khánh, sân, tả vu, hữu vu, tiền đường, hậu đường…
Hiện nay, Văn Miếu hàng tỉnh còn lại rất ít, đa phần bị hư hỏng, chỉ một số ít được tu bổ, tôn tạo, phát huy tác dụng tốt.
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu hiện vật kiến trúc được khai quật tại nền cũ Quốc Tử Giám Thăng Long năm 1998; nghiên mực phục chế, sách học, ván khắc in sách, bài thi Đình đối; hòm sách, giá văn và cuốn thư… cùng các bảng bia tiến sỹ ghi danh những người đỗ đạt cao.
Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết, triển lãm một số hình ảnh về hệ thống Văn Miếu Việt Nam giúp mọi người biết trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa, tinh hoa của cha ông, đồng thời khuyến khích các địa phương phục dựng lại Văn Miếu đã mất để làm nơi tôn sư trọng đạo, giáo dục nhân tài cho các thế hệ trẻ./.
(TTXVN)
ashui_com