Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố chỉ số chi tiêu của Chính phủ cho các sản phẩm công nghệ hiện đại của Việt Nam đạt 4,5 điểm, xếp hạng 11, thuộc nhóm đứng đầu, trên cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Anh. Tương đương với đó, Việt Nam vẫn xếp khá cao về khả năng sáng tạo, đứng thứ 44 trong số 133 nền kinh tế tham gia xếp hạng. Ngoài ra Việt Nam cũng xếp hạng cao với các vị trí 48, 51 và 62 trong các đánh giá về trụ cột đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ, trình độ công nghệ của DN và mật độ máy tính cá nhân trên 100 dân. Đó là một con số khách quan, đáng mừng cho thấy khả năng và quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước Việt Nam. Song, đi vào lĩnh vực “vi mô” cũng phải thừa nhận một thực tế có những ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế vẫn đầu tư dàn trải, chưa đúng với chủ trương của Đảng và Chính phủ: hướng tới công nghệ cao, hiện đại nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Đơn cử như ngành thép. Theo quy định các dự án có quy mô từ 1.500 tỷ đồng trở lên do Chính phủ cấp phép còn các dự án quy mô dưới mức này do địa phương thẩm định cấp phép. Lợi dụng quy định này các chủ đầu tư triển khai các dự án nhỏ dưới 1.500 tỷ đồng để được cấp phép dễ dàng, dẫn đến cấp phép đầu tư tràn lan các nhà máy thép, vượt quá quy hoạch chung. Buồn hơn, 40% các dự án thép và phôi thép quy mô nhỏ dưới 100 nghìn tấn/năm là công nghệ cũ, lạc hậu, nhiều trường hợp công nghệ Trung Quốc không còn sử dụng lại được doanh nghiệp nhập về. Phổ biến doanh nghiệp nhập các lò điện công suất 20 – 30 tấn/mẻ và lò cao 200 – 300m3, trong lúc đó loại này Trung Quốc thải ra để thực hiện quy định lò điện công suất phải 50 tấn/mẻ và lò cao 1.000m3 trở lên mới được xây mới. Các lò thép công suất nhỏ doanh nghiệp nhập về thường tiêu tốn điện, nhiên liệu nhiều hơn lò tiêu chuẩn. Lượng than tiêu hao gấp 2 lần lò tiêu chuẩn, lượng dầu tiêu thụ cho mỗi tấn thép cán cũng gần 2 lần lò tiêu chuẩn… Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, có khoảng 30% DN thép sử dụng công nghệ lạc hậu, 40% dùng công nghệ trung bình và chỉ có 20% dùng công nghệ hiện đại. Chỉ 5 năm nữa các nhà máy công nghệ lạc hậu sẽ thành sắt vụn. Lẽ nào không nhận thấy ngành công nghiệp này đang cần một sự điều khiển thống nhất từ trên xuống dưới vì mục tiêu phát triển bền vững? |
Tự biến mình thành kẻ… tụt hậu
5