Từ diễn đàn Quốc hội: Đề nghị thu hồi hàng trăm nghìn ha đất sai mục đích





Theo ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị), trong hơn 7,5 triệu ha đất giao cho các tổ chức có tới hàng trăm nghìn ha sử dụng không đúng mục đích, thậm chí còn dùng ma thuật để biến đất công thành đất tư vì vậy cần thu hồi số đất này.



Đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồng Vĩnh


Đất công thành đất tư







Ngày 12/4/2009 Cục Công sản, Bộ Tài chính đã tham mưu đề xuất thu hồi 31 cơ sở trên 50 mặt bằng của Tổng công ty lương thực miền Nam trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Thử hỏi nếu rà soát quỹ đất giao cho hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước, hàng chục bộ, ngành, hàng nghìn đơn vị T.Ư và địa phương thì sẽ phát hiện lãng phí biết bao nhiêu đất công. Trị giá bao trăm ngàn tỷ và rất có thể Chính phủ đủ nguồn lực trang trải cho các nhu cầu an sinh xã hội chứ không cần phải trình Quốc hội tại kỳ họp này để phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20 nghìn tỷ.


ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị).


Trong buổi thảo luận tại Hội trường chiều 28/5, liên quan đến việc quản lý sử dụng đất ở các địa phương trong thời gian qua, ông Tiến cho rằng quản lý đất đai là một chế định hết sức quan trọng của Luật Đất đai, song trên thực tiễn công tác quản lý đất đai hiện nay còn có khoảng cách rất xa so với các quy định của pháp luật.


Báo cáo mới nhất của Tổng Cục quản lý đất đai thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy tình hình quản lý sử dụng đất đai hiện nay còn rất nhiều bất cập, quản lý chưa chặt chẽ, sử dụng kém hiệu quả, còn để xảy ra nhiều tiêu cực.


Trong số 7.507.318 ha đất Nhà nước giao cho các tổ chức thì có tới hàng trăm nghìn héc ta sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật, thậm chí còn dùng ma thuật để biến đất công thành đất tư.


Tình trạng buông lỏng quản lý đất đai gây nên những hiệu ứng xã hội bất thuận đó là trên 80% ý kiến kiến nghị của cử tri và hơn 85% các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai, nhà cửa, đền bù giải phóng mặt bằng.


Tại Thành phố Hồ Chí Minh có tới 96 triệu m2 đất và các công trình gắn liền với đất tọa lạc ở những vị trí rất đắct địa do các cơ quan T.Ư, địa phương và các doanh nghiệp quản lý cũng rơi vào tình trạng như trên.


Thường trực ban chỉ đạo kiểm kê quĩ đất của Thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 10/2/2009 tại thành phố có 348 khu đất với 1170 ha bị bỏ hoang, 285 khu cho thuê trái phép, 65 khu cho mượn trái pháp luật bao gồm cả tài sản gắn liền trên đất.


“Ngày 12/4/2009 Cục Công sản, Bộ Tài chính đã tham mưu đề xuất thu hồi 31 cơ sở trên 50 mặt bằng của Tổng công ty lương thực miền Nam trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Thử hỏi nếu rà soát quỹ đất giao cho hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước, hàng chục bộ, ngành, hàng nghìn đơn vị T.Ư và địa phương thì sẽ phát hiện lãng phí biết bao nhiêu đất công. Trị giá bao trăm ngàn tỷ và rất có thể Chính phủ đủ nguồn lực trang trải cho các nhu cầu an sinh xã hội chứ không cần phải trình Quốc hội tại kỳ họp này để phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20 nghìn tỷ”- Ông Tiến đặt vấn đề.


Nhà công cũng bị chiếm dụng, sử dụng sai


Cũng theo đại biểu này, tình trạng quản lý nhà công, nhà công sở, nhà công vụ, nhà biệt thự cũng diễn ra tương tự. Hàng trăm nghìn m2 trụ sở cơ quan, đơn vị, hàng nghìn nhà biệt thự tại các đô thị lớn đang bị biến dạng nghiêm trọng, đang trở thành chung cư chắp vá, cơi nới, manh mún, thiếu thẩm mĩ.


“Khối tài sản khổng lồ hữu hình là di sản văn hóa kiến trúc của Nhà nước đang bị xâm hại nghiêm trọng, đang bị chiếm dụng trái pháp luật. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt thu hồi số đất vàng, nhà ngọc đang hàng ngày, hàng giờ bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích hoặc hàng nghìn ha đất bị hoang hóa do hậu quả của các dự án treo xuyên thế kỷ. Để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất, nộp cho ngân sách Nhà nước hoặc chuyển mục đích sử dụng cho các công trình phúc lợi xã hội”- Ông nói.


Đại biểu này cũng cho rằng việc lỏng lẻo trong quản lý đất đai và tài sản công gắn liền với đất không những gây thất thoát nguồn lực của xã hội mà còn là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng tham nhũng, lãng phí, là môi trường tha hóa cán bộ, công chức, là nguyên nhân làm mất cán bộ và là thách thức lớn trong việc thực thi pháp luật.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *