“Vẫn kiểm soát được chất lượng, tiến độ Thủy điện Sơn La”











Đập tràn Thủy điện Sơn La. (Ảnh: C.Hiếu)


Theo báo cáo ban đầu, các vết nứt hiện này không ảnh hưởng đến an toàn đập Thuỷ điện Sơn La. Tiến sĩ Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình, Bộ Xây dựng khẳng định với báo chí chiều 13/2.




 


Nứt là do chênh lệch nhiệt độ?


 


Xin ông cho biết một số nhận xét của cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước về một số vết nứt trên Thủy điện Sơn La?


 


– Đập chính của công trình Thủy điện Sơn La được thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn. Trong quá trình thi công đã xuất hiện một số vết nứt tại một số khối đổ như báo chí đã đăng tải. Hiện tượng nứt bê tông tại các công trình, đặc biệt là với bê tông khối lớn là có thể xảy ra chứ không thể bảo là không thể xảy ra.


 


Hiện nay, chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đã và đang tổ chức xác định nguyên nhân gây nứt, đánh giá ảnh hưởng của các vết nứt đến an toàn của đập, đề xuất giải pháp khắc phục cũng như biện pháp ngăn chặn hiện tượng nứt tiếp theo.


 


Hội đồng nghiệm thu và Cục có bao giờ tính đến phương án dừng thi công công trình để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng nứt?


 


– Phương châm xây dựng công trình Thủy điện Sơn La là phương châm an toàn tuyệt đối, không cho phép bất cứ sai sót nào. Tuy nhiên, điềuđó không có nghĩa là bất cứ một khiếm khuyết nào xảy ra chúng ta đều nghĩ tới việc ảnh hưởng đến an toàn, vì nó có rất nhiều cấp độ và thang độ khác nhau.


 


Hiện nay, theo đánh giá của tư vấn, các vết nứt này không ảnh hưởng đến an toàn đập. Do đó chúng ta có thể có thêm thời gian để xem xét. Biện pháp dừng thi công đột ngột, tại thời điểm này chúng tôi chưa đặt ra.


 


– Có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do sốc nhiệt, ông nghĩ sao?


 


– Khi đổ bê tông thì nhiệt độ bên trong bao giờ cũng tăng lên. Ví dụ, nhiệt độ trước khi đổ 22 độ nhưng sau 7 ngày tăng lên 45 độ, 50 độ nhưng mặt ngoài của khối bê tông đó thì vẫn nguội.


 


Gọi dân dã là “sốc nhiệt” nhưng bản chất là chênh lệch nhiệt độ, tạo ứng suất nên gây nứt. Lúc đó ngoài sẽ co lại, vết nứt bắt đầu từ ngoài vào trong.


 


Đây là đặc điểm chung của bê tông khối lớn, vì vậy phải tính toán và hạ nhiệt độ ban đầu của bê tông xuống, để khống chế sao cho ở ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đấy là lí thuyết, trên thực tế bê tông có thể rít vào nhau và có dao động nhất định.


  


Đến lúc này đã có phương án nào được đưa ra để xử lí vết nứt chưa, thưa ông?


 


– Đến nay, tư vấn đã tạm thời đưa ra các biện pháp để xử lí như đặt lưới thép để tránh sự lan truyền vết nứt. Hay biện pháp khoan phụt để lấp đầy vết nứt.


 


Một biện pháp khác nữa là đặt các tiêu nước để sau này nếu nước có tràn vào vết nứt thì sẽ tiêu ra ngoài. Bước đầu, tư vấn đánh giá các vết nứt như thế không ảnh hưởng đến an toàn đập, song tất nhiên vẫn còn phải xem xét thêm.


 


Không ảnh hưởng đến tiến độ chung và chất lượng?!


 


Vậy ông đánh giá thế nào về hệ thống giám sát, quản lí chất lượng công trình Thủy điện Sơn La? Các khâu quản lí ra sao?


 


– Hệ thống này là rất chặt chẽ. Các đơn vị đều bảo đảm năng lực. Khi quyết định dự án cao hay thấp cũng phải bàn 2 năm trời.


 


Đến khi thiết kế kĩ thuật, triển khai biện pháp đầm lăn hay bằng công nghệ bê tông thường cũng tranh luận gần một năm trời. Hơn nữa, bản thân đơn vị thi công là Sông Đà cũng từng có kinh nghiệm thi công công nghệ đầm lăn.


 


– Vết nứt đầu tiên được phát hiện tháng 9/2008 ở khối C2, vậy khi đó các vết nứt có được cập nhật, xử lí để bây giờ nó lan ra thành 5 vết?


 



– Khi hiện tượng nứt xảy ra phải xem xét là nứt có tính hệ thống hay là chỉ xác suất cá biệt. Đừng vì một vết nứt đầu mà nghĩ đó là nứt hệ thống. Ngày đó, chủ đầu tư đã có báo cáo về vết nứt cá biệt này và có đánh giá, xử lí cục bộ ngay.


 


Còn những vết nứt mang tính hệ thống bây giờ được phát hiện vào tháng 11/2008 và đã không cho thi công bằng biện pháp lăn nữa.


 


Có những lo ngại rằng 5 vết nứt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn đập?


 


– Theo báo cáo ban đầu của tư vấn, các vết nứt hiện nay không ảnh hưởng đến an toàn đập.


 


Sau khi chủ đầu tư tập hợp báo cáo gửi cho hội đồng, hội đồng sẽ cử các nhóm chuyên gia độc lập để đánh giá xem xét báo cáo của tư vấn, tổ chức phản biện độc lập và đa chiều nhằm có được sự đánh giá chính xác và tin cậy .


 


Tôi muốn nói thêm, thực tế, một số đập thi công công nghệ bê tông đầm lăn cũng xảy ra hiện tượng nứt. Sơn La không phải là công trình đầu tiên sử dụng công nghệ bê tông đầm lăn. Chúng ta đã từng thi côngmột số công trình thi công bằng công nghệ bê tông đầm lăn như Thủy điện Pleikrong, Thủy điện Sê San 4, Thủy điện A Vương… chúng ta cũng đã tíchlũy được một số kinh nghiệm.


 


Hiện nay một số công trình thi công xong, về cơ bản kết cấu đập an toàn. Công trình Thủy điện Sơn La có Ban chỉ đạo nhà nước, có Hội đồng nghiệm thu nhà nước, có các bộ ngành theo chức năng của mình có kênh kiểm soát riêng, nên chúng tôi cho rằng chúng ta sẽ kiểm soát tốt chất lượng.


 


– Vậy còn tiến độ, sự cố này có làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Thủy điện Sơn La?


 


– Việc xử lí không quá phức tạp. Vì vậy tôi cho rằng không vì một sự cố này mà tiến độ chung bị ảnh hưởng.


 


– Xin cảm ơn ông!


 


 



Theo VNN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *