Trang chủ » Vấn nạn nhà xây trái phép ở thành phố Biên Hòa vẫn tái diễn nghiêm trọng

Vấn nạn nhà xây trái phép ở thành phố Biên Hòa vẫn tái diễn nghiêm trọng

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments





Từ đầu năm 2009 đến nay, trên địa bàn thành phố Biên Hoà ( Đồng Nai) phát hiện thêm 239 vụ vi phạm về xây dựng, nâng tổng số trường hợp vi phạm trên địa bàn thành phố lên 1.605 trường hợp vi phạm về lĩnh vực xây dựng nhà ở không phép; trong đó, 1.339 trường hợp do UBND 26 phường, xã xử lý, còn lại do Đội quản lý trật tự đô thị và Phòng quản lý đô thị thành phố lập biên bản xử phạt. Có 757 trường hợp vi phạm là do xây dựng không đúng quy hoạch, buộc phải tháo gỡ, trong số này có 86 căn nhà, công trình dân tự phá bỏ; 134 điểm bị cưỡng chế và 539 trường hợp khác đến nay chưa tổ chức giải tỏa. Đáng chú ý, có 66 trường hợp xây dựng nhà ở trên đất quốc phòng.

Những năm qua, TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có số lao động từ các nơi đến rất đông và chọn nơi đây là điểm dừng chân lâu dài. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán đất sang tay, xây nhà không phép diễn ra tràn lan trong thành phố…Một trong những địa bàn được xem là phức tạp nhất về tình trạng xây nhà không phép ở TP. Biên Hòa phải kể đến phường Tân Phong; trong đó, 2 khu phố 9 và 11 nổi cộm về việc lấn chiếm đất, mua bán đất sang tay và cất nhà vô tội vạ. Những kiểu xây nhà lén lút vào ban đêm, xây một cách chóng vánh dường như đã trở thành chuyện thường ngày ở khu vực này khiến chính quyền địa phương trong thời gian qua phải rất vất vả mới có thể hạn chế phần nào nhà xây tự phát. Chủ tịch UBND phường Tân Phong Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Nguyên nhân là do nguồn gốc đất ở đây khá phức tạp. Có khu vực là đất cấp cho quân nhân; cũng có nơi trước đây là đất quốc phòng (30 ha) nay đã bàn giao cho địa phương nhưng chỉ trên quyết định chưa có bản đồ địa chính; hoặc có vùng là đất lâm nghiệp ngày trước… nên hầu hết diện tích đất ở những khu vực này đều chưa được cấp chủ quyền. Do chưa có chủ quyền nên khi phát hiện người dân xây nhà không phép, chính quyền địa phương chỉ yêu cầu những trường hợp này bổ sung thủ tục để UBND phường biết nhằm theo dõi, quản lý. Trong hai khu phố 9 và 11 ở Tân Phong hiện đã có 15.000 dân ở khắp các tỉnh thành trên cả nước về đây. Riêng khu vực 30 ha tại khu phố 9, hiện đã có trên 500 hộ dân sinh sống. Chính vì địa bàn rộng, dân cư đông đúc nên hầu như hễ có nhu cầu chỗ ở là mạnh ai nấy tự động xây cất nhà. Với những hộ dân chiếm đất làm nhà ở, khi phát hiện, địa phương đều buộc tháo gỡ. Trong năm 2008, lực lượng chuyên trách của phường đã phải cưỡng chế giải tỏa 27 căn nhà xây trái phép trên phần đất chiếm dụng. 4 tháng đầu năm nay, 10 trường hợp đang xây cất cũng buộc phải phá bỏ…

Trong khi đó, Chủ tịch UBND phường Trảng Dài Lâm Tấn Khải cho biết: Tòan phường có 5 khu phố, nhưng có đến 14.000 hộ với 55.000 dân. Trong vài năm trở lại đây, bình quân mỗi năm phường Trảng Dài tăng thêm từ 200 – 300 hộ. Chỉ riêng khu phố 4 đã có hơn 4.000 hộ (gần bằng một phường nội ô), đa phần là dân nhập cư. Thêm vào đó, diện tích đất ở Trảng Dài rộng 1.420 ha nhưng có đến 700 ha là đất nông nghiệp. Thời gian qua, tình trạng sang nhượng, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư trên địa bàn diễn ra khá phức tạp, khó kiểm soát. Đương nhiên, tình trạng xây nhà không phép cũng tăng theo. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng đã từng bước ngăn chặn hiệu quả. Qua đó, trong năm 2008 đã có 258 trường hợp vi phạm xây dựng bị xử lý; 4 tháng đầu năm 2009 phát hiện xử phạt 124 trường hợp. Một trong những nguyên nhân khiến người dân cứ xây nhà không phép là do mức xử phạt thời gian qua còn thấp, không ít trường hợp còn “muốn” được xử phạt để nhà không phép được tồn tại.

Ngoài 2 phường nói trên, tình trạng xây nhà không phép còn khá phổ biến ở các phường khác như Long Bình, Long Bình Tân, Tân Hiệp, An Bình… Nhiều Chủ tịch phường, xã ở TP. Biên Hòa cho biết, do mức phạt quá thấp nên tình trạng xây dựng nhà không phép phát triển tràn lan. Đi sâu tìm hiểu nguyên nhân trên, chúng tôi được biết, do tình trạng xử phạt quá nhẹ, cộng vào đó là không ít trường hợp nhiều nhà không phép dần dần được “hợp pháp hóa” có giấy tờ đàng hoàng đã ngấm ngầm tạo ra làn sóng xây dựng nhà không phép tràn lan. Tiếp xúc với nhiều trưởng khu phố, các chủ tịch phường, họ đều nắm rất rõ số nhà xây dựng không phép trên địa bàn, thậm chí còn nắm rõ giá cả số tiền sang nhượng đất đai bất hợp pháp và ngày giờ khởi công các công trình, nhưng không hiểu sao, nhà xây không phép vẫn mọc lên và chủ nhà đã tính trước cả mức nộp phạt để hòan thành. Liệu Nghị định 23/2009/NĐ-CP mới được ban hành có hiệu lực thi hành từ
1/5/2009 với mức phạt khá cao liệu có ngăn chặn được tình trạng việc xây nhà không phép ở TP.Biên Hòa?./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.