Về di tích lịch sử chùa Bối Khê





Chùa Bối Khê được xây dựng vào năm 1338, thời nhà Trần tại thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội trên diện tích khoảng 5.000m2. Trong chùa có thờ Đức Thánh Bối tức vị tướng công Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh bại quân xâm lược phương Bắc.

Chùa Bối Khê không những là di tích lịch sử quý giá về niên đại mà còn có kiến trúc bằng gỗ rất đẹp. Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 20-4-1979.

Kiến trúc chùa Bối Khê có tiền đường, hành lang tả hữu, nhà tam bảo đều bằng gỗ dựng theo hình chữ quốc. Hậu đường được kết nối với điện thờ Thánh có hình chữ công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính. Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những hoạ tiết về kiến trúc gỗ 4 vị chim thần.

Từ đường cái nhìn vào, cách cổng chùa 50m phía tay trái là lăng Quận công Lê Tiến Quý, người thôn Bối Khê (thời Lê Trung Hưng), bên phải là đền thờ Đức Ông. Trước cổng chùa là sân đất rộng rãi, có cây đề, cây đa cổ thụ, đường kính ba vòng tay người ôm không xuể.

Cổng chùa có 5 cửa, phía trên cửa chính có dòng chữ Đại Bi Tự. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp, dấu tích của dòng sông Đỗ Động. Rẽ trái là con đường dẫn tới từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), cách chùa 30m. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái. Tầng trên treo quả chuông lớn, đường kính 60cm, cao 1m đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Qua khỏi gác chuông là sân gạch rộng chừng 400m2, hai bên là hai hồ nước, một trồng sen và một làm giếng nước sinh hoạt cho dân làng trước đây, nay trở thành nơi biểu diễn văn nghệ trong dịp hội chùa.

Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Các đầu bảy đỡ mái phía ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bảy góc trái phía ngoài chạm hình chim thần Garuda. Bên phải tam bảo là nhà bia dựng năm 1450 ghi sự tích Đức Thánh Bối.

Chùa còn bảo lưu được nhiều nghi thức tôn giáo của phái Trúc Lâm, Đạo giáo, Khổng giáo và có nhiều cổ vật quý 58 pho tượng lớn nhỏ 2 cây đèn gốm thời nhà Mạc và nhiều sắc phong. Trong số 58 pho tượng, đáng chú ý là tượng Quan âm 12 tay ngồi trên tòa sen đặt trên bệ đá chạm khắc hình rồng, chim thần, hoa lá có niên đại Xương Phù lục niên (1382), triều vua Trần Phế Đế. Hai hành lang chạy dọc, mỗi bên 9 gian, 18 vị La Hán ngồi trên bệ đá, thể hiện đủ gương mặt, tư thế khác nhau. Sau tam bảo là hậu cung thờ Đức thánh Bối Nguyễn Đình An, hai tầng tám mái.

Đến nay, chùa Bối Khê vẫn còn lưu giữ được những cổ vật quý giá như tượng Phật bà nghìn mắt, nghìn tay có từ đời Lý là một trong 2 pho tượng đẹp và quý nhất Việt Nam, 11 bia đá có từ đời Hậu Trần, 2 quả chuông được đúc bằng đồng và 22 đạo sắc từ thời Lý cho đến thời Nguyễn, một quần thể tượng cửu long 9 pho tượng được đặt trên 9 bệ rồng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *