Trang chủ » Về nơi đất cằn đơm hoa

Về nơi đất cằn đơm hoa

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Vừa đặt chân đến trụ sở Cty Cp Viglacera Hạ Long, chúng tôi đã được cô lễ tân ghé tai nói nhỏ: “Chuyến công tác lần này, các anh chị nhất định phải dành thời gian đến thăm trang trại của chúng em nhé. Tuyệt lắm!”. Chỉ khi đứng giữa cái bao la của trang trại tựa lưng bên triền núi, ngửa mặt nhìn đàn diều hâu rình rập, lượn lờ, thèm muốn nhìn đàn gà lục tục dưới đất mà không làm gì được bởi những cánh chim bồ câu trắng muốt hiền hòa bay lượn đã che chắn cho bầy gà, cảnh tượng đẹp như bộ phim hoạt họa, tôi thầm cảm ơn  cô gái đất mỏ có ánh mắt sáng long lanh cùng nụ cười tươi tắn sáng nay đã khéo léo “dụ” chúng tôi  về “Hạ Long trang”.


Toàn cảnh trang trại.             Ảnh: Việt Hùng

1.Từ văn phòng Công ty, mất chừng gần 30 phút chạy xe, chúng tôi đã có mặt ở “Hạ Long trang”, nằm trên cánh đồng chiêm trũng thôn Bằng Săm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Hiện ra trước mắt chúng tôi là những luống cải, dò su hào, rặng rau ngót, rau muống nằm kề bên những hàng cà chua, rặng bí xanh… đến ngút tầm mắt. Đang say sưa ngắm nhìn, chụp ảnh, chúng tôi giật mình bởi tiếng reo hò: “Hay quá! To quá! Chép đấy. Không phải, Rô vược đấy…” từ phía ao nuôi cá. Chị Nguyễn Thị Khánh – “bà chủ” nông trang bả “Cánh văn phòng đấy các bạn ạ. Vừa lao động xong, họ đang quăng chài, cất chũm, úp nơm bắt cá”.

Giọng nói ấm áp, nụ cười cởi mở và bước chân thoăn thoắt của người phụ nữ quê Hải Dương đang ở cái tuổi mặn mà nhất của đời người con gái lại dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khuôn viên rộng đến trên 6ha của trang trại. Nắng tháng 9 trải vàng trên từng luống rau, bờ khoai, rặng sắn. Nắng rực lên trên màu ngói đỏ của khu nhà điều hành, nắng tô vàng trên nền xanh thẫm của những trái bưởi, trái đu đủ trĩu nặng, nắng lấp lánh ánh lên theo những đợt sóng từ các mặt hồ đầy bóng cá, nắng chụm lại trên lưng đàn cá sấu đang phơi mình bên hồ nước. Bóng nắng tất tả chạy theo những bước chân nghịch ngợm của nào gà tây, nào ngỗng, nào thỏ, nào dê… Và đẹp nhất là màu hoa nắng nở vàng rộm trên hàng vạn bông cải, hàng ngàn chùm hoa cà chua đang mùa đậu quả khiến chúng tôi ngây ngất như quên cả những lời hướng dẫn của người nữ phụ trách trang trại. Cả chủ và khách như say trong cái nắng hanh hao, ngọt ngào ấy, và chỉ chợt như bừng tỉnh ra khi cô bạn đồng nghiệp tôi quay sang hỏi: “Những ngày đầu về đây cảm giác thế nào hả chị?”. Chị Khánh khựng lại rồi thật thà trả lời: “Không thể tưởng tượng được!”.


Niềm vui người thợ khi quăng chài Ảnh:Duy Hưng


Cờ VIGLACERA kiêu hãnh bay trong nắng  Ảnh: Việt Hùng

Đó cũng là những ngày cuối thu tháng 9 cách đây tròn 1 năm. Tưởng tượng sao được khi đang là một cán bộ quản lý kinh doanh mê say với thương trường, với những dòng tiền và hàng xuất ra, thu về chảy như nước,  chị “bị” ban Giám đốc gọi lên nhận quyết định ra làm chủ khu trang trại mãi tận nơi “khỉ ho cò gáy” này. “Ngày ấy, nhận quyết định lòng tôi rối bời. Ra đến đây, nhìn cánh đồng “chiêm khê mùa thối” mênh mông nào cỏ lác, lau lách, đỉa rắn… tôi thầm nghĩ chắc mình bị… “đì”. Mình thoát ly đồng ruộng, phấn đấu một đời vì nó mà giờ đùng một cái quay về với bùn và đất, ai mà không tủi! Nếu không có Tổng Giám đốc quyết đoán, không có những phân tích khoa học về tiềm năng trang trại và nếu không phải xuất thân từ nhà quê ra có lẽ… tôi bỏ công ty về bán tạp hóa rồi” – chị Khánh nói rồi nở nụ cười hiền hậu. Vâng ngày ấy mới cách đây tròn 1 năm nhưng nghe chị kể về những ngày đầu làm trang trại, chúng tôi cứ ngỡ đó như xa xăm là thủa nào.

2. Đang mải mê thì câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi 4 chiếc xe con nối đuôi nhau chạy vào sân trang trại. “Có khách đến thăm kìa chị.” – tôi bảo. “Không phải đâu, Tổng giám đốc xuống “lao động tay chân” đấy”. Chị Khánh chưa nói hết câu, chúng tôi đã nghe giọng nói hào sảng của Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu: “Các nhà báo đến bao giờ mà bí mật thế?  Lại đây “bới đất lật cỏ” với chúng tớ. Rồi cá đấy, gà đấy, ngan, vịt đấy. Thích ăn con gì thì… thịt”. Miệng nói, chân sải bước đến bên bờ ao, hai cánh tay rắn chắc của ông Tổng giám đốc Viglacera Hạ Long danh nổi như cồn trên thương trường nhanh nhẹn nhấc chũm. Loáng cái, một chú Chép vàng rộm đã bị nhấc bổng lên mặt nước. Ông xuýt xoa: “Sao lại được mỗi con Chép nhỉ. Các cháu bắt vào kia rán đi, để chú kiếm vài con nữa đến trưa tiếp nhà báo nhé”.


phút thư giãn của Tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu.   Ảnh: Tâm Anh


Cá sấu – vật nuôi mới nhất ở trang trại…
   

Rời ao cá, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu nhanh nhẹn rảo một vòng quanh trang trại, làm khổ cánh nhà báo mướt mồ hôi đi phía sau. Ông bộc bạch: “trăn trở và quyết tâm lắm chúng tớ mới hình thành được như hôm nay đấy”. Rồi ông kể: “Có nhiều việc phải xin ý kiến tập thể, nhưng riêng làm trang trại này, tớ quyết!”. Lúc chọn được đất, đền bù xong, công bố quyết định… cả cơ quan sững sờ. Nghe ông thuyết trình, tất cả đều… “bấm bụng” ủng hộ. Nhưng đến hôm nay, nhìn thấy vùng đồi mênh mông xanh mướt mát, bữa ăn được đổi món, tươi ngon và phong phú hơn hẳn và đặc biệt ngày ngày từng đoàn khách khắp nơi nườm nượp đến thăm Cty, không khỏi trầm trồ thán phục, dành những tình cảm tốt đẹp với Viglacera Hạ Long. Chẳng ai nói ra nhưng trong lòng mỗi cán bộ, công nhân càng nhân thêm niềm kính phục, nể trọng vị Tổng giám đốc bạo tay, dám nghĩ dám làm của mình. Cái cách họ ủng hộ ông cũng lạ! Buổi chiều hôm chúng tôi đến thăm trang trại, không ai không ngạc nhiên khi thấy bóng những chàng trai, cô gái quần áo bảo hộ, tóc búi cao, đầu đội nón…như những nông dân thực thụ, khỏa chân xuống ao cho hết bùn đất, để nguyên quần xắn ngang gối, nhảy lên những chiếc xe hơi đắt tiền điềm nhiên lái ra khỏi trang trại. Hỏi ra mới biết đó là cánh nhân viên văn phòng Cty, tranh thủ ngày rảnh phân công nhau ra lao động công ích với trang trại, nhổ cỏ, nhặt mảnh sành, sỏi, đá…Thoáng trong số ấy, tôi kịp nhìn thấy người đàn ông tóc hoa râm, tự mình lái  một chiếc xe chính là Chủ tịch Công đoàn Cty Nguyễn Văn Liễn, “thủ lĩnh” của hơn 3.000 người lao động.


Công nhân nâng niu từng bông cà chua.

3 Sự quyết đoán, táo bạo ấy khó có thể không thành công khi mà xuất phát từ cái tâm và tầm của vị tổng giám đốc  lúc nào tình cảm giành cho người lao động cũng chiếm một vị trí quan trọng như chính gia đình mình. Ông bả Làm trang trại để gần 3.500 con người Viglacera Hạ Long yên tâm khi thưởng thức bữa ăn sau những giờ lao động mệt mỏi không phải lo lắng trước “cơn bão” ngộ độc thực phẩm. Làm trang trại để phát huy hết khả năng tiềm ẩn trong mỗi con người gốm Hạ Long. Và làm trang trại để khơi dậy tinh thần tảo tần chịu khó, nét văn hóa lâu đời của hàng ngàn cán bộ, công nhân, những người xuất thân từ khắp các vùng quê đất Việt đang tụ hội dưới ngôi nhà Viglacera Hạ Long.

Chính chúng tôi, những người cũng xuất thân từ nông thôn, cũng từng theo mẹ, theo bà tần tảo khuya sớm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” kiếm miếng khoai củ sắn nhưng cũng không thể hiểu hết tầm suy nghĩ của vị Anh hùng Lao động của ngành Xây dựng. Nhưng nhìn những việc ông làm, chứng kiến niềm vui, lòng hăng say lao động trên mỗi luống rau, ruộng cà trong trang trại của mỗi cán bộ, công nhân Viglacera Hạ Long, chúng tôi càng thấu hiểu tính nhân văn sâu sắc ẩn hiện trong đó.

Câu chuyện của chúng tôi như vui hơn, rộn hơn bởi tiếng đùa vui của các anh chị “nông dân” đang chăm sóc trên các luống hoa màu. Đến bên ruộng cải đang thu hoạch, tôi giở ngón nghề nông ít ỏi còn sót lại của mình ra hỏi chị Nguyễn Thị Nhung – Tổ trưởng tổ rau 1: “Để có cải tốt như thế này, chắc trước khi bón, mình phải ủ loại phân hữu cơ đến cả tháng ấy chị nhỉ?”. Tay vẫn thoăn thoắt bó cải, chị cười hiền: “Thế thì nhà báo không hiểu rồi, chúng em đảm bảo ủ hoại trên 45 ngày đấy. Ở đây, quy trình đảm bảo nghiêm ngặt lắm! Làm sai là chúng em bị kỷ luật ngay. Anh cứ nhìn cải vẫn còn sâu, thò tay xuống mương nước tưới có thể bắt được cá rô, cá cờ…nhưng coi chừng đỉa bám đầy tay”.


Cán bộ văn phòng Cty hăng say lao động công ích.

Quay sang Giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ đời sống Nguyễn Ngọc Hải, tôi hỏi: “Có trang trại rồi, từ nay các bếp ăn không phải lo mua rau nữa phải không anh?”. Vị giám đốc trẻ trả lời: “Làm gì có chuyện đó. Mặc dù do xí nghiệp quản lý nhưng trang trại rau sạch – thực phẩm sạch (tên trang trại – pV) được coi là đơn vị hạch toán độ lập. Có đầu tư, có thu, có chi. Tất cả thực phẩm ở đây đều bán và thanh toán sòng phẳng cho các bếp ăn đó”. Lời anh Hải nói càng minh chứng cho bài toán của Tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu: “Đã đầu tư thì đều phải qua 3 giai đoạn: Lỗ – Hòa – Lãi. Ngay cả 3 nhà máy gạch Tiêu Dao, Cotto, Hoành Bồ đều phải qua giai đoạn lỗ rồi hòa thì mới lãi đó sao. Với cách làm này, chắc chắn đến giữa năm 2010, trang trại sẽ bắt đầu có lãi”. Bài toán mà vị Tổng giám đốc tính đã được áp dụng vào trang trại. Hiện, doanh thu từ rau quả, thực phẩm đã đủ nuôi 40 con người với mức lương bình quân trên 2 triệu đồng – ước mơ bao đời của người nông dân xã Lê Lợi, nơi trang trại đóng quân.

4 Thành công của mô hình trang trại không chỉ là kết quả của sự chăm chỉ lam lũ của những nông dân mặc áo công nhân Viglacera Hạ Long mà ở đó thể hiện lòng quyết tâm và ý chí luôn tìm tòi sáng tạo để liên tục làm mới mình, làm ngạc nhiên với ngay cả những người có duyên lâu lâu lại về với gốm Hạ Long. Hôm nay, đi trên những con mương được cứng hóa giống như những con mương nội đồng hiện đại nhất ở một vùng quê nào, ngắm nhìn màu xanh ngút ngàn của rau, củ quả chúng tôi càng hiểu sức người là vô hạn. Và nói như bà Vũ Thị Oanh, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ thì: “Không ngờ người xây dựng lại xây lên một điển hình, một mô hình trang trại cho nông dân chúng tôi học tập ngay tại quê hương mình”. Bà Oanh bật mí thêm: “Từ ngày có trang trại của Viglacera Hạ Long, rất nhiều đoàn của Hội Nông dân, Thanh niên, phụ nữ, Cựu chiến binh… trong và ngoài tỉnh đã đến xã chúng tôi để học tập cách làm trang trại đấy”.


Tất cả để có thực phẩm sạch cho bữa ăn an toàn.

Người bên ngoài đến trang trại để chiêm ngưỡng, học tập còn người Viglacera Hạ Long lại không ngừng đi học tập kinh nghiệp để làm tốt hơn trang trại của mình. Khi bài báo này đang lên khuôn, chúng tôi biết, chị Nguyễn Thị Khánh đang dẫn đầu đoàn gồm gần chục cán bộ, công nhân đi một vòng từ Hà Nội – Vĩnh phúc – phú Thọ – Sơn La – Hòa Bình để học tập mô hình làm rau trong nhà lưới, trồng hoa trái vụ rồi nuôi nhím, chăn dê, thả kỳ đà… Qua điện thoại chị bả “Người Viglacera Hạ Long không bao giờ bằng lòng với mình. Chúng tôi muốn trang trại không chỉ là nơi “mùa nào thức ấy” mà còn phải là nơi trên bờ: cây cho rau, ra hoa, đơm trái tứ thời; Dưới nước: Cá gì cũng có và trong chuồng trại: cứ con gì không bị cấm là chúng tôi học cách, mua giống về nuôi… Để trang trại không chỉ là nơi cung cấp thực phẩm sạch mà còn là điểm đến lý tưởng của cán bộ, viên chức và con em họ đến tham quan, học tập cho thêm gần gũi, gắn bó với thiên nhiên, môi trường”. Chị Khánh mong vậy, còn chúng tôi, chúng tôi nhớ đến điều ước của Tổng giám đốc Nguyễn Quang Mâu: “Ngoài sự quy củ của Hạ Long trang, tôi muốn có vườn cây trái bên hồ cá hình chữ S trong đó từ đầu đến cuối vườn là từng loại cây trái đặc trưng của các vùng miền trên đất mẹ Việt Nam”. Không thể nói gì hơn, chúng tôi, những phóng viên báo Xây dựng đã cả chục năm nay được Viglacera Hạ Long luôn coi là người trong một gia đình hiểu rằng, chắc chắn ước mơ của vị Anh hùng Lao động sẽ thành hiện thực vào một ngày không xa.v            

Hạ Long – Hà Nội cuối thu 2009

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.