|
KTĐT – Vì sự an toàn của thủ đô, đoạn đê dọc theo sông Hồng luôn ở cấp bảo vệ đặc biệt và nhờ Thủy điện Hòa Bình, nhiều năm qua không còn đợt lũ lớn nào tràn về uy hiếp.
Tuy nhiên, gần đây hiện tượng khí hậu cực đoan, mưa, lũ không theo quy luật nên thường rất ác liệt, do đó vấn đề bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đê ở Hà Nội vẫn là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, các vụ vi phạm Luật Đê điều tồn đọng ở Hà Nội năm sau luôn cao hơn năm trước, khiến dư luận không khỏi lo lắng.
Những con số biết nói
Hà Nội đẹp hơn và màu mỡ hơn nhờ có tới 118km sông Hồng chảy qua, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi lưu lượng, dòng chảy cực lớn vào mùa mưa lũ.
Theo thống kê của Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão (ĐĐ- PCLB), tổng các dạng vi phạm Luật Đê điều tồn tại từ trước đến hết tháng 3.2009 có tới 5.194 trường hợp. Trong đó, năm 2008 phát sinh thêm 271 trường hợp và 3 tháng đầu năm 2009 là 127 trường hợp. Đáng chú ý là nếu tổng số vi phạm còn tồn của năm 2007 là 4.796 vụ thì đến tháng 3.2009 đã lên 5.194 vụ. Điều đó cho thấy, số xử lý thường ít hơn số vi phạm mới, nên tổng số vi phạm còn tồn tại năm sau luôn cao hơn năm trước.
Điều đáng nói là, đoạn đê dài 37,7km qua nội thành thuộc diện bảo vệ đặc biệt, nhưng chính ở đây lại có số vụ vi phạm tồn đọng thuộc diện lớn nhất – tới 291 vụ (tính đến hết tháng 3.2009). Trong đó, dạng các nhà kiên cố vi phạm Luật Đê điều còn tồn tại tới 154 trường hợp.
Riêng năm 2008 phát sinh thêm 19 trường hợp, nhưng xử lý chỉ được 4 trường hợp. Đáng nói là trong 19 trường hợp này có tới 6 trường hợp xây nhà, trong đó một số hộ ở quận Ba Đình, Hai Bà Trưng và Long Biên vẫn xây được hẳn nhà 2 tầng, 3 tầng (?!).
Nhưng trong 6 trường hợp xây dựng nhà đó cũng chỉ xử lý được 1 trường hợp của Cty LOD, xây dựng trên đất của cảng Hà Nội. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao những trường hợp vi phạm đó lại có thể diễn ra một cách công khai trước các cơ quan chức năng được? Đâu là lý do khiến chính quyền và các hạt cũng như Chi cục ĐĐ- PCLB biết mà đành bó tay? Ông Đỗ Đức Thịnh – Chi cục trưởng Chi cục ĐĐ- PCLB – nhìn nhận, dạng nhà kiên cố vi phạm thì ít, nhưng tính chất lại nghiêm trọng.
Vì vậy, trước mùa mưa bão, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2555 về kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Theo số liệu cập nhật đến ngày 18.7 của Chi cục ĐĐ – PCLB, 2 đợt ra quân triển khai kế hoạch trên (từ 18.6 – 4.7.2009) đã xử lý được tổng cộng 610 vụ. Trong đó, giải tỏa được 5 nhà kiên cố (đều ở huyện ƯÁng Hòa); 79 nhà cấp 4 và móng nhà; 350 lều quán; 108 vụ chất vật tư, chất tải lên đê; 11 lò gạch …
Sự “cảm thông” của chính quyền
Theo ông Thịnh, có rất nhiều loại vi phạm như đào xẻ đê, chứa chất vật tư lên đê, khai thác đất, cát trong phạm vi bảo vệ đê…, nhưng dạng vi phạm điển hình có ảnh hưởng xấu nhất đến an toàn của đê là việc người dân khai thác đất để làm gạch trải dài trên nhiều quận, huyện ven sông (điển hình nhất là Đan Phượng, Thường Tín).
Ngoài việc làm hẹp dòng chảy thoát lũ do các lò gạch gây nên, mặt đê dùng làm đường chỉ chịu được tải trọng lớn nhất là 10 tấn, nhưng nhiều ôtô chở đến 30 – 40 tấn, thậm chí là 60 tấn gạch là… bình thường. Do đó, độ an toàn của đê bị đe dọa nghiêm trọng. Để ngăn ngừa hiện tượng này, ở một số nơi xây các trụ giảm tải trên mặt đê nhưng chỉ được một thời gian là bị phá… Do đó, “đây là vấn đề phải giải quyết nhưng lại … khó làm” – ông Thịnh chua chát nói.
Bởi theo ông Thịnh, nguyên nhân chính là một số xã muốn “tận thu”. Ví dụ, một số xã lại ký hợp đồng khai thác với dân thì ai đứng ra xử lý họ? Một số khác do người dân tự mở lò với sự “cảm thông” của chính quyền.
Một dạng vi phạm nghiêm trọng khác – theo điều tra riêng của phóng viên – một doanh nghiệp kinh doanh bãi đỗ xe phía lòng sông thuộc phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm trong mấy năm gần đây luôn bị cơ quan chức năng lập biên bản yêu cầu trả về nguyên trạng (do đổ đất trạt vào bãi) nhưng cốt nền bãi xe vẫn … mỗi năm một cao. Nếu không có sự “cảm thông” của chính quyền, liệu tình trạng này có thể xảy ra?
Về trách nhiệm của mình, ông Thịnh phàn nàn, chi cục chỉ có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản các trường hợp vi phạm và báo với chính quyền để xử lý. Do đó, nếu chính quyền thực sự vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu xã, phường chưa xử lý thì chi cục cũng chỉ biết báo lên cấp trên là Sở NNPTNT, từ đó sở lại đề nghị huyện phối hợp giải quyết. Nếu vẫn không được thì sở lại báo cáo … UBND thành phố.
Nhưng ông Đỗ Đức Thịnh tin rằng, sau đợt ra quân này, nếu các địa phương tiếp tục xử lý thì số vụ vi phạm Luật Đê điều tồn đọng sẽ giảm đi.
Theo LĐ