|
Hanoinet – Không chỉ ô nhiễm môi trường do ngày đêm hứng chịu nước thải sinh hoạt của người dân, sông Nhuệ còn đang bị lấn chiếm bởi nhà dân khiến khả năng tiêu thoát nước cho thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lấn chiếm nhiều
Tổng chiều dài trục chính sông Nhuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 74km, bắt đầu từ cống Liên Mạc (Từ Liêm) đến ngã ba Phủ Lý (Hà Nam). Hàng năm, ngoài đảm nhiệm việc tưới cho khoảng 50 nghìn héc ta cây trồng/vụ, sông Nhuệ còn đảm nhiệm thoát nước cho 3 vùng, với 16 quận huyện, bao gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên với diện tích trực tiếp là 60.684 héc ta. Theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), năng lực tiêu của sông Nhuệ hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 87% so với yêu cầu. Vì vậy hàng năm, vào mùa nước, khu vực này vẫn bị úng ngập nghiêm trọng. Nhiều năm mực nước lên cao, uy hiếp an toàn đê sông Nhuệ, do vậy các trạm bơm tiêu ra sông buộc phải ngừng hoạt động, mà đợt mưa úng đầu tháng 11 – 2008 là một ví dụ. Theo một số chuyên gia ngành thủy lợi, sở dĩ việc tưới và tiêu thoát nước sông Nhuệ quá tải là do tốc độ đô thị hóa nhanh, tình trạng vi phạm dọc 2 bên bờ sông gia tăng làm thu hẹp dòng chảy. Đi dọc hai bên bờ sông, chúng tôi thấy nhà cửa của dân cư san sát ra đến mép sông, xâm phạm cả các công trình thủy lợi. Nhiều đoạn tại các khu vực như Cầu Diễn (Từ Liêm), Thanh Bình (Hà Đông), cầu Tó (Thanh Trì), Hữu Hòa (Thanh Trì), Cự Khê (Thanh Oai) dòng sông bị thu hẹp, co thắt. Dọc phố Thanh Bình (Hà Đông), toàn bộ khu vực dân cư nằm ven bên bờ sông Nhuệ hầu hết là lấn chiếm trái phép, nhiều hộ còn xây dựng nhà kiên cố ra đến bờ sông. Bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó giám đốc Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho biết: Trên chiều dài 1 km dọc sông Nhuệ thuộc địa bàn phường Mộ Lao (Hà Đông) có khoảng 170 trường hợp vi phạm, xây dựng nhà tạm, hoặc nhà kiên cố từ 2 đến 3 tầng ra đến mép sông. Các công trình xây dựng đa số là không có giấy phép xây dựng. Tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), tình trạng lấn chiếm lòng sông cũng diễn ra tương tự. Dân cư cơi nới xây dựng nhà cửa xâm lấn trái phép đến đâu kéo theo rác thải sinh hoạt đến đó. Tại đoạn này, dòng chảy gần như bị tê liệt nếu như không được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khơi thông rác thải. Bà Hạnh kể ” Trước kia chúng tôi đi kiểm tra đê điều, công trình thủy lợi trên hệ thống trục chính sông Nhuệ có thể đi thông suốt dọc tuyến, nhưng hiện nay không thể đi nổi, bởi nhà cửa người dân đã xây quá nhiều ra đến tận bờ sông”.
Xử lý chẳng bao nhiêu
Qua thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, số vụ vi phạm công trình trên sông Nhuệ từ năm 2001 đến nay khoảng 5.400 vụ, trong đó huyện Từ Liêm nhiều nhất 1.600 vụ, Hà Đông 750 vụ, Thanh Trì 700 vụ… với tổng diện tích vi phạm khoảng 165.000m2. Trong tổng số diện tích vi phạm, chỉ có 33.000m2 người dân xây dựng là đất hợp pháp. Số diện tích đã vi phạm chủ yếu là các công trình xây dựng nhà cửa, lều lán tạm… Được biết, theo như thiết kế mặt thoáng của sông Nhuệ có chiều rộng là 60 mét (chưa kể mặt đê), nhưng nhiều vị trí hiện nay bị thu hẹp chỉ còn từ 40 – 50 mét. Do bị xâm thực quá sâu nên vào mùa mưa việc tiêu nước khó khăn.
Mặc dù tình trạng lấn chiếm lòng sông nhiều nhưng việc xử lý lại chưa được bao nhiêu. Trên thực tế, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ chỉ có quyền phát hiện lập biên bản vi phạm, nhắc nhở, còn việc xử lý vi phạm do chính quyền các địa phương nơi để xảy ra vi phạm công trình thủy lợi. Điều đáng nói, mặc dù đã có chế tài xử phạt vi phạm hành chính không quá 500.000 đồng/vụ vi phạm, nhưng một số nơi chính quyền chưa thực sự vào cuộc để lại về sau tiền lệ xấu khó giải quyết. Bà Hạnh cho biết: Thậm chí có trường hợp vi phạm, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ đã lập biên bản ngay từ khi người xây mới xây móng, thông báo lại nhưng chính quyền địa phương lờ đi, đến khi công trình mọc lên 2 – 3 tầng, chính quyền lại đổ vấy cho Công ty không phát hiện thông báo kịp thời! Chính sự không chuyên tâm, thiếu cương quyết của một số địa phương là mầm mống gia tăng các trường hợp vi phạm dọc 2 bên bờ sông Nhuệ. Mới đây, tại buổi làm việc về quy hoạch tiêu sông Nhuệ và định hướng quy hoạch tiêu nước thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học nhấn mạnh: Trước khi chờ bản quy hoạch mới cải tạo sông Nhuệ, ngay từ bây giờ các địa phương nên tập trung xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, kịp thời phục vụ công tác phòng chống lụt bão năm 2009 tới gần. Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, liệu sông Nhuệ sẽ còn bị “bức tử” đến bao giờ nếu như chính quyền các địa phương vẫn đứng ngoài cuộc?
Trí Trung