Tp.Biên Hòa (Đồng Nai) hiện có 148 dự án (DA) về xây dựng hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đang được triển khai xây dựng. Theo đó, sẽ có hơn 8.400 hộ dân bị giải tỏa trắng và hơn 6.500 hộ phải xem xét bố trí tái định cư (TĐC). Tuy nhiên, thời gian qua mới chỉ có 679 hộ được bố trí TĐC và 271 hộ được giải quyết tạm cư, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thực tế. Hiện 17 DA TĐC đang trong giai đoạn xúc tiến các thủ tục đầu tư, thu hồi đất và tính toán bồi thường, hỗ trợ. Chỉ tính riêng 17 DA này, số diện tích phải thu hồi là trên 83 ha, với 2.017 hộ dân bị ảnh hưởng và 1.240 hộ phải được bố trí TĐC.
trong số các DA đang triển khai, có một số DA về chỉnh trang hạ tầng đô thị, công trình công cộng, trong đó có những DA khu dân cư tập trung như: Mở rộng khu TĐC 6,2 ha tại phường Bửu Long; khu TĐC 16 ha phường Tân Biên; khu TĐC 2,7 ha phường Long Bình Tân. Đây là những khu phục vụ cho các hộ dân bị giải tỏa, thu hồi đất từ những DA khác, nhất là những công trình trọng điểm như xây dựng cầu Đồng Nai mới đang phải gấp rút thi công. Theo quy định, mọi DA đều phải được xem xét bố trí TĐC cho người dân trước khi tiến hành giải tỏa, di dời, do đó, hiện nay Hội đồng bồi thường Tp. Biên Hòa đã tính toán, hỗ trợ xong 10 DA với khoảng 250 hộ dân nhưng chưa thể bố trí TĐC, vì chưa có chỗ ở. Ngoài ra, nhiều DA khác chỉ mới ở giai đoạn kiểm kê áp giá bồi thường, chẳng hạn như DA trung tâm Hành chính – văn hóa – thương mại Tp.Biên Hòa nằm ở khu vực đường Võ Thị Sáu nối dài…
Thực tế hiện nay, do thủ tục hành chính khi triển khai thực hiện DA quá rườm rà đã làm chậm tiến độ thực hiện các DA. Ngay cả việc ban hành quyết định thu hồi đất của các DA mất rất nhiều thời gian; một số DA đã công bố quyết định tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và TĐC từ các năm 2007, 2008 nhưng đến nay chưa có quyết định thu hồi đất. Ví dụ, DA khu TĐC 14,2 ha phường Long Bình; khu chung cư TĐC 6,2 ha phường Bình Đa, khu TĐC đường Huỳnh Văn Lũy, khu dân cư 13 ha phường Tân Vạn… Một trong những tồn tại lâu nay khiến các DA chậm triển khai, đó là giá đất bồi thường cho dân khi Nhà nước thu hồi đất chưa phù hợp với giá chuyển nhượng trên thị trường, cụ thể giá đất mà hàng năm Nhà nước ban hành không theo kịp biến động giá đất thực tế. Hơn nữa, việc quy định giá đất ban hành từ ngày 1/1 hàng năm và áp dụng cho cả năm, trong khi đó giá đất thị trường thường xuyên biến động.
Chính vì thế, nếu các DA triển khai vào dịp cuối năm thì khó có thể thực hiện hơn, bởi người bị thu hồi đất thường chờ đến đầu năm sau mới chấp hành chủ trương để được nhận tiền bồi thường nhiều hơn. Điều này đã dẫn đến tình trạng, cùng một DA nhưng có nhiều giá đền bù khác nhau. Đáng kể là những hộ chưa được bố trí TĐC, nhưng đã được thanh toán bồi thường, hỗ trợ đất đai, nhà cửa vào thời điểm trước, đến khi được giao đất TĐC thì không thể làm nhà được, vì giá vật tư tăng cao. Đối với các DA lớn kéo dài nhiều năm, thì việc thay đổi bảng giá đất hàng năm, làm phát sinh nhiều giá khiến công tác bồi thường, giải tỏa gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh về giá đất thì việc quy chủ của từng thửa đất gặp rất nhiều trở ngại do việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn Tp.Biên Hòa chưa hoàn thành; với các hộ dân tự ý mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bằng giấy tay nên phải mất rất nhiều thời gian mới xác định được nguồn gốc và chủ quyền của người sử dụng đất. Mặt khác, phần lớn các hộ dân nằm trong diện giải tỏa có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định, lại không thích ở trong khu chung cư, cho nên việc bố trí TĐC chưa được người dân ủng hộ. Thêm vào đó, nhiều trường hợp bị giải tỏa trắng, không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh, còn tiền bồi thường thì không đủ để mua căn hộ chung cư theo giá Nhà nước, vì vậy, nhiều hộ đã bán lại đất TĐC cho người khác…
Ông trịnh Tuấn Liêm, phó chủ tịch UBND Tp. Biên Hòa cho biết, ngoài những khó khăn như đã nêu, thì một trong những trở ngại lớn làm chậm tiến độ thực hiện các DA là kinh phí. Thời gian qua, nguồn tiền để xây dựng hạ tầng TĐC cơ bản từ khoảng 15% giá trị bồi thường, được chủ đầu tư các DA ứng trước, song không thấm vào đâu so với mức đầu tư bình quân hàng trăm tỷ đồng/DA. Theo ông Liêm, để có bảng giá đất gần sát với thị trường, thì nên thẩm định giá vào đúng thời điểm thu hồi đất. Như vậy sẽ giảm được mức độ chênh lệch giữa giá của Nhà nước ban hành và giá thị trường như lâu nay. Ông Liêm nhấn mạnh: Chính sách đối với công tác đền bù, giải tỏa và TĐC còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, trong đó, ngoài giá đất phải điều chỉnh, còn phải tính đến việc dạy nghề, hỗ trợ vốn, cho vay vốn trên cơ sở người bị thu hồi đất được thế chấp từ chính đất TĐC. Ngoài ra, nếu mức hỗ trợ TĐC phân tán (người bị thu hồi đất tự lo nơi ở mới) phải được nâng lên, đồng thời tăng mức hỗ trợ thuê nhà tạm cư lên 1,5 triệu đồng/tháng, thì chắc chắn người dân sẽ vui vẻ giao lại đất cho Nhà nước./.
|