Trang chủ » Vì sao giá xi-măng ở TP Hồ Chí Minh tăng cao?

Vì sao giá xi-măng ở TP Hồ Chí Minh tăng cao?

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Sản phẩm của xi-măng Hà Tiên 1 được tiêu thụ mạnh trên
thị trường.

Theo các chủ hộ ở 82 Lý Chính Thắng (quận 3), 54/15 Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, Tp Hồ Chí Minh), khu dân cư Thuận An (Bình Dương), họ đang phải mua xi-măng Hà Tiên 1 với giá 75.000 – 80.000 đồng/bao 50 kg để xây nhà. Các chủ hộ nêu trên còn cho biết từ đầu tháng 5 đến nay, muốn có đủ xi-măng phục vụ tiến độ xây nhà, phải “đặt” trước đại lý từ bốn ngày đến một tuần.

 
trong khi đó các Công ty  Hà Tiên 1, Holcim 100% vốn nước ngoài khẳng định nhà máy đang chạy vượt mức công suất thiết kế với giá bán ổn định từ tháng 2-2008 đến nay.
 
Xi-măng lên giá
 
Chiều 11-5, trong vai người cần mua xi-măng để sửa chữa vài chỗ thấm ở sân thượng, tôi hỏi mua xi-măng ở cửa hàng Mỹ phước, phường 15, Bình Thạnh. Chủ cửa hàng không nhìn mặt người mua trả lời gọn lỏn “20.000 đồng/kg bán lẻ, thuận thì mua không thì thôi”.
 
Chạy xe đến một loạt các đại lý xi-măng ở đường Ðiện Biên phủ thuộc phường 15 và 22 Bình Thạnh cũng gặp câu trả lời tương tự. Theo một đại lý ở phường 22 “giá cao vì phải bóc cả bao, số người mua vài kg không nhiều”, hơn nữa xi-măng về chỗ ông tới 75.000 đồng/bao. Vì vậy phải bán giá cao. Anh Dương phú Thái, đại lý xi-măng phú Thái ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) chuyên bán xi-măng Hà Tiên 1 và Holcim than thở rằng, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3, cửa hàng anh ngày nào cũng nhận 1.000 bao xi-măng Hà Tiên 1 và 1.000 bao Holcim. Từ đầu tháng 5 đến nay, lượng xi-măng cung ứng sụt hẳn. Cứ ba, bốn ngày mới được nhận xi-măng với số lượng giảm dần. Thí dụ, chiều thứ hai (12-5) nhận 200 bao thì ngày 13-5 nhận 400 bao Hà Tiên 1 cho đến thứ tư hoặc thứ năm (15-5) phải cho xe xếp hàng chờ ở nhà máy (bốn ngày) để được phân bổ chỉ tiêu. Nhà máy vẫn  bán với giá xuất xưởng 53.500 đồng/bao, song cộng phí vận chuyển và bốc vác (tại nhà máy), lót tay (lái xe) thì xi-măng đến tay đại lý là trên dưới 60.000 đồng/bao, bán ra 65.000 đồng/bao (giá đầu tháng 4-2008).
 
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại lý xi-măng ở khu dân cư Thuận An, Bình Dương phản ánh: Từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4-2008, đại lý của ông ngày nào cũng nhận một xe, 300 bao xi-măng Hà Tiên 1. Từ đầu tháng 5 đến nay mỗi tuần chỉ được cung ứng một xe, mà muốn lấy được xi-măng cũng không dễ.
 
Một số đại lý xi-măng ở thị xã Tân An, Long An cho biết giá xi-măng ở đây dao động từ 73.000 đến 75.000 đồng/bao mà từ ngày 10-5 đến nay không có xi-măng để bán. Vì vậy, phần lớn  số đại lý, cửa hàng chỉ dành xi-măng bán cho khách “lớn” (công trình, xây nhà), khách mua ít không muốn bán.
 
Chủ hộ 82C Lý Chính Thắng đang xây nhà cho biết, đầu tháng 3, ông mua xi-măng Hà Tiên 1 (qua đại lý) là 60.000 đồng/bao. Ðầu tháng 4 là 65.000 đồng/bao. Ngày 6-5 lên tới 75.000 đồng/bao. Ngày 12-5 ông đặt mua 100 bao, song đại lý cho biết chưa có, phải chờ vài ngày tới mới có hàng (mặc dù đã đặt trước) và giá tính sau.
 
Theo các đại lý, cửa hàng bán xi-măng Hà Tiên 1 và Holcim trên địa bàn Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ muốn lấy được xi-măng ở hai nhà sản xuất không chỉ phải “chờ đợi”, mà còn phải có “phụ phí” mới lấy được xi-măng. Thí dụ để chở đầy một xe 15 tấn xi-măng Holcim phải chờ năm ngày, mỗi ngày mất hai triệu đồng chi phí (xăng xe, lái xe) đến lúc đầy xe là 10 triệu đồng chi phí. Xe chở đến cửa hàng phải có tiền “cơm trưa” (mặc dù lái xe không đòi). Tất cả được cộng dồn vào giá bán lẻ xi-măng. Cũng do xi-măng cung ứng theo kế hoạch, cho nên các công trình lớn đang xây dựng dở dang, một số hộ đang xây, không muốn dừng tiến độ xây dựng, sẵn sàng chi thêm hoặc lấy hàng với giá cao, góp phần làm cho xi-măng bị đẩy giá lên cao, mặc dù nhà máy không tăng giá. Mặt khác, do chưa được giải thích cặn kẽ, tin đồn sau tháng 6 sẽ tăng giá nhiều mặt hàng xây dựng lan rộng, khiến nhiều người dân lo ngại, đổ xô xây nhà.
 
phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp (quận tập trung bà con lao động) cho biết, quý I-2008 đã giải quyết 1.800 trường hợp xin cấp phép xây dựng đủ điều kiện, gấp hai lần so cùng kỳ năm 2007, bình quân ngày giải quyết 100 hồ sơ xin phép xây dựng mà lượng hồ sơ xin giải quyết không giảm.
 
Ngoài ra, tin đồn tăng giá cũng khiến nhiều đại lý, cửa hàng tìm cách đẩy giá xi-măng tăng để thu lợi cao. Nhiều đại lý còn cho rằng, trước đây Nhà máy xi-măng Hà Tiên 1 sản xuất ngày 8.000 tấn nhưng từ ngày 8-5 trở đi, sản xuất 3.000 tấn/ngày, nên không đủ cung ứng cho các nhà phân phối?
 
Nguyên nhân và giải pháp
 
Ðể làm rõ nguyên nhân và có các biện pháp bình ổn thị trường xi-măng khu vực Tp Hồ Chí Minh, ngày 2-5, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, phó Vụ  trưởng Vật liệu xây dựng làm trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện Tổ điều hành thị trường trong nước, Cục quản lý thị trường, Hiệp hội xi-măng Việt Nam.
 
Qua kiểm tra các đơn vị sản xuất, cung ứng xi-măng và các nhà phân phối, các đại lý xi-măng thuộc khu vực Tp Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Ðoàn kiểm tra không phát hiện có việc đầu cơ, găm hàng, lợi dụng thời điểm khan hiếm hàng để nâng giá từ các cơ sở sản xuất, nhưng giá bán xi-măng tại các cửa hàng bán lẻ đã tăng từ 20 đến 30% so với giá bán tại thời điểm tháng 2-2008.
 
Nguyên nhân là nhu cầu xi-măng bốn tháng đầu năm  khu vực các tỉnh Ðông Nam Bộ và Tp Hồ Chí Minh tăng khoảng 14% so với cuối năm 2007 và tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác, do tâm lý của nhiều chủ đầu tư cho rằng, sau tháng 6 các mặt hàng trọng yếu, trong đó có xi-măng sẽ có điều chỉnh giá, vì vậy  tích trữ xi-măng, tạo ra cầu tăng đột biến, gây hiện tượng khan hiếm nguồn hàng.
 
trong khi đó nguồn cung trên thị trường phụ thuộc một phần vào các trạm nghiền xi-măng. Các cơ sở này, do nguyên liệu cho sản xuất là clanh-ke phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu và vận chuyển từ các nhà máy phía bắc vào. Nhưng, giá FOB clanh-ke nhập khẩu từ Thái-lan tháng 12-2007 là 28 USD/tấn, nay đã tăng lên hơn 41 USD/tấn. Nếu cộng chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, bốc dỡ trung chuyển thì giá clanh-ke nhập khẩu về tới các nhà máy nghiền dao động từ 1.000.000 đến 1.040.000 đồng/tấn. Còn nguồn clanh-ke cung cấp từ phía bắc vào, do thiếu phương tiện vận chuyển, nên cước phí cũng tăng lên từ 300 nghìn đến 350 nghìn đồng/tấn, về đến nhà máy nghiền tăng lên 1.020.000 đến 1.050.000 đồng/tấn. Với giá thành như trên nên số  đông các trạm nghiền xi-măng sử dụng nguồn clanh-ke nhập khẩu hoặc chuyển từ bắc vào đều lỗ.
 
Ðáng lưu ý là  khi phát hiện  tình hình thiếu xi-măng ở các tỉnh phía nam, Bộ Xây dựng, Tổng công ty xi-măng Việt Nam đã chỉ đạo các công ty xi-măng chuyển 15 nghìn tấn clanh-ke, xi-măng rời và xi-măng bao vào các tỉnh phía nam để bình ổn thị trường. Nhưng do thuần túy chạy theo lợi nhuận và thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của bộ và tổng công ty, các công ty xi-măng phía bắc đã chần chừ trong vận chuyển xi-măng và clanh-ke vào các tỉnh phía nam. Ðiều đó cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm khắc.
 
Mặc dù gặp khó khăn trong sản xuất, thậm chí chịu lỗ, nhưng chấp hành ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở sản xuất xi-măng vẫn giữ nguyên giá bán tại nhà máy, với mức từ 1.020.000 đến 1.070.000 đồng/tấn. Nhưng, do các cơ sở này đều thực hiện phương thức bán hàng thông qua nhà phân phối chính, do đó không thể quản lý được giá bán lẻ. Vì vậy, mặc dù giá bán xi-măng tại Nhà máy không tăng, nhưng do thiếu nguồn hàng nên có hiện tượng nhà bán lẻ nâng giá bán. 
 
Ðể ổn định giá bán lẻ xi-măng khu vực phía nam trong thời điểm hiện nay, cần tăng lượng cung để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty xi-măng Việt Nam đẩy mạnh sản xuất, duy trì lò chạy dài ngày, tăng cường vận chuyển xi-măng  từ bắc vào nam.  Ðồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xi-măng, tăng nguồn cung.
 
trước mắt, để giảm giá thành sản xuất xi-măng từ các trạm nghiền, ngày 9-5, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 870/BXD-KHTC gửi Bộ Tài chính đề nghị cho phép từ nay đến hết năm 2008, giảm thuế nhập khẩu clanh-ke nhập khẩu trong khối ASEAN từ 5% và ngoài khối ASEAN từ 10% xuống còn 0%, vừa góp phần giảm giá clanh-ke nhập khẩu, vừa tăng nguồn cung clanh-ke từ các nước trong khu vực, hạn chế sự tăng giá từ clanh-ke Thái-lan, giảm chi phí vận chuyển clanh-ke từ bắc vào nam. 
 
trong thời điểm giá xi-măng trên thị trường có biến động, các công ty xi-măng cần có  hệ thống cửa hàng bán xi-măng trực tiếp đến người tiêu dùng, bảo đảm theo đúng giá quy định để khống chế giá thị trường khi cần thiết, đồng thời có biện pháp quản lý các nhà phân phối, cũng như hệ thống bán hàng của nhà phân phối.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.