Thoát nghèo, khát vọng qua hàng chục thế kỷ vẫn chưa thực hiện thì làm sao có thể giải quyết được trong ngày một ngày hai. Biết là vậy nhưng không phải vì thế mà chúng ta không thể làm, có điều là làm cách nào và làm như thế nào. Đây cũng là quan điểm được ông Nguyễn Ngọc Anh – Tổng giám đốc TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đề cập trong phương án đỡ đầu hỗ trợ 4 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Sau chuyến đi khảo sát, anh Khôi – cán bộ công đoàn của VICEM ngậm ngùi: “Nhiều vùng còn khổ lắm, trẻ con chỉ có áo mà chẳng có quần, mùa đông cũng như mùa hè, mỗi manh áo che thân, nhìn đâu cũng thiếu”. Sự cảm nhận đó cũng chính là đặc điểm chung của các huyện này là dân trí thấp, đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao. 3 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá gồm Quan Sơn, Quan Hoá và Lang Chánh đều có chung biên giới với Lào, đồng bào dân tộc Thái, Mường, Mông chiếm trên 85% dân số; huyện Nam Trà My (Quảng Nam) có các dân tộc Ca-dong, Xê-đăng, Mơ-nông chiếm trên 97% dân số. Đặc biệt là huyện Nam Trà My được tách ra từ huyện Trà My cũ, cơ sở hạ tầng thấp kém, ngay như Tắc-pó trung tâm của huyện còn chưa đạt tiêu chuẩn là thị trấn. Với 3 huyện ở Thanh Hoá, tài nguyên thiên nhiên chủ yếu là rừng, trong đó chỉ có luồng, keo, vầu, nứa, giang, bương nhưng phần lớn lại là rừng tái sinh, trữ lượng lâm sản thấp, khả năng khai thác rất hạn chế. Huyện Nam Trà My có cây sâm Ngọc Linh và cây quế có thể phát triển thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, loại cây này mọc tự nhiên ở vùng núi, sau 6 -7 năm là thu hoạch được củ, giá trị mỗi kg sâm tươi từ 15 – 20 triệu đồng. Thực tế việc mưu sinh của người dân đa phần vẫn là tự cấp, tự túc và tự phát. Kinh tế chủ yếu của các huyện vẫn là nông nghiệp và lâm nghiệp, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và các ngành khác là rất thấp. Tỷ trọng nông nghiệp – lâm nghiệp của 3 huyện Thanh Hoá là 55 – 70%, công nghiệp và xây dựng khoảng 15%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 3,2 – 5,3 triệu đồng/người/năm. Riêng Nam Trà My tỷ trọng nông – lâm chiếm tới 84%, còn tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ hầu như không có, thu nhập bình quân từ 1,5 – 1,8 triệu đ/người/năm, năm 2008 thu ngân sách 3,217 tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách 113,055 tỷ đồng (chi cao gấp hơn 35 lần thu). Mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ nhưng công cuộc thoát nghèo dường như vẫn đang nhích lên từng bước một cách khó khăn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, trong khi chưa phê duyệt được đề án giảm nghèo, các địa phương và các ngành cần thực hiện ngay việc hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà ở. Theo đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 7 triệu đồng/hộ, ngân hàng Chính sách xã hội cho vay ưu đãi 8 triệu đồng/hộ (lãi suất 3%/năm, ân hạn 5 năm, vay trong 10 năm), doanh nghiệp hỗ trợ 6 – 7 triệu đồng. Như vậy, người dân chỉ phải góp 3 triệu đồng cho loại nhà 25 triệu và 8 triệu cho loại 30 triệu. Tuy nhiên, việc xây nhà ở cho người nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, theo thói quen và phong tục tập quán của đa số đồng bào dân tộc ít người, họ không thích xây nhà mà thích ở nhà sàn bằng gỗ. Sở thích này được chứng minh ở các dự án tái định cư thuỷ điện, khi Nhà nước đã xây nhà rồi nhưng người dân vẫn cứ “gồng gánh” nhà cũ dựng bên cạnh nhà mới để ở. Thứ hai, đồng bào không muốn vay tiền vì sợ sau này không trả được do không có nguồn thu nhập. Thêm vào đó nhiều hộ vay vốn để chăn nuôi nhưng gia súc bị bệnh chết hoặc rớt giá nên họ bị mất cả vốn lẫn lãi, kết quả là ôm một khối nợ. Như vậy, nếu phần vốn đối ứng của gia đình và cộng đồng huy động không đủ, có tiền của doanh nghiệp cũng chưa đủ điều kiện làm nhà cho các hộ nghèo. Có một căn nhà để che mưa che nắng là điều cần thiết nhưng liệu có nhà rồi người dân có thoát nghèo được không là vấn đề cần bàn. Nhiều căn nhà giữa sườn núi heo hút hay một con đường để mở rộng giao lưu với cộng đồng, hỗ trợ tiền để chăn nuôi hay hỗ trợ về khoa học kỹ thuật… tất cả vẫn còn đó những giải pháp để thoát nghèo thực sự. |
VICEM hỗ trợ 4 huyện nghèo: Lương tâm và trách nhiệm
5
Bài trước