Bức tường giá cả
Đón đầu chính sách cho phép Việt kiều mua nhà, nhiều năm qua hàng loạt các dự án nhà đất thuộc dòng cao cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ra đời.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng đây sẽ là một thị trường đầy tiềm năng, góp phần làm sôi động thị trường nhà đất.
Thế nhưng thị trường này cho đến nay vẫn không sôi động như mong đợi. Đặc biệt là thị trường căn hộ cao cấp đang trong giai đoạn hết sức khó khăn, không ít các dự án đã hạ giá đến 40-50% nhưng vẫn ế ẩm.
Con số 140 Việt kiều mua được nhà tính đến cuối năm 2009 ở trong nước là quá ít. |
Tại các trung tâm môi giới địa ốc, nhiều kiều bào đến nhờ tư vấn về thủ tục mua nhà đất. Tuy nhiên sau khi thăm dò thị trường và nghe ngóng tình hình, nhiều Việt kiều đã chùn bước trước bức tường giá quá cao.
Bà Nguyễn trần Lý, Việt kiều Australia, tỏ ra ngạc nhiên khi được giới thiệu một căn hộ cao cấp tại quận 7 với giá gần 300.000USD diện tích chỉ 150m2.
Bà cho biết, giá như vậy là quá cao, trong khi điều kiện sống, sinh hoạt và hạ tầng giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh kém rất xa Australia.
Giá nhà đất tại Thành phố Hồ Chí Minh dù đã sụt giảm mạnh so với thời điểm 2007 nhưng vẫn được đánh giá là rất cao so với các nước Australia, Mỹ, Canada, pháp. Bà Nguyễn Thị Lan, Việt kiều Mỹ nhận xét, dù rất muốn trở về Việt Nam sinh sống nhưng giá nhà đất đang là vấn đề phải cân nhắc.
Bà Lý cho biết “với 200.000USD bà có thể mua cho mình một căn biệt thự tại Mỹ, nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ mua được một căn hộ cao cấp diện tích 150m2. Với giá nhà đất đắt đỏ như hiện nay và không điều chỉnh hợp lý hơn thì sẽ là thách thức rất lớn cho những kiều bào như chúng tôi muốn trở về định cư lâu dài tại Việt Nam.”
Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế cũng làm cho dòng tiền kiều hối sụt giảm, ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch mua nhà của kiều bào vào dịp cuối năm. Năm 2009, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 6,3 tỷ USD, giảm 12,8% so với năm 2008.
Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, kiều hối năm 2009 chỉ đạt 3,2 tỷ USD, so với con số gần 5 tỷ USD năm 2008. Nhiều người hy vọng sự hồi phục của kinh tế toàn cầu trong những năm tới sẽ hồi phục thị trường bất động sản thế giới nói chung và thị trường Việt Nam nói riêng.
Thế nhưng, đó cũng chưa phải là nguyên nhân chính. Chính sách chưa rõ ràng và phải chờ văn bản hướng dẫn thêm là rào cản lớn cho những Việt kiều thật sự có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam.
Rào cản thủ tục
pháp lý quy định việc mua nhà của kiều bào đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, song chưa có hướng dẫn cụ thể.
Nhiều vướng mắc của kiều bào khi mua nhà đất, ngay cả cơ quan hành chính cũng chưa biết phải hướng dẫn, giải quyết như thế nào vì còn phải chờ Chính phủ quy định và hướng dẫn chi tiết.
Do Chính phủ chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể nên không chỉ kiều bào lúng túng, mà các cơ quan chuyên môn cũng chưa biết căn cứ vào đâu để hướng dẫn.
Bà Lương Bạch Vân, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, rắc rối nhất là việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam. Người còn giấy khai sinh hoặc hộ khẩu tại địa phương cũ thì thời hạn nhanh nhất cũng phải mất 3 tháng.
Những Việt kiều không còn giấy tờ hay bà con thân thích gì tại Việt Nam thì rất khó. Ông Ngô Dương Hoàng Thao, một Việt kiều băn khoăn, ngay cả điều khoản luật quy định Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, có thể được hiểu là Việt kiều chỉ được mua nhà ở chứ không được mua đất. Như vậy đối với đất dự án, Việt kiều có được mua rồi sau đó tự xây nhà? Vấn đề này vẫn phải chờ.
Liên quan đến những vướng mắc trong các khâu thủ tục này, trong cuộc gặp gỡ với kiều bào dịp 31/1/2010, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng đã phân trần: “Luật nào ra đời cũng không tránh khỏi những hạn chế, trong quá trình đó chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi để phù hợp hơn.
Hiện Bộ Xây dựng đang soạn thảo quy định, trong đó thủ tục sẽ tiếp tục được cải tiến để những Việt kiều cư trú tại Việt Nam chỉ từ 3 tháng cũng được mua căn nhà.
Bộ Xây dựng cũng đang kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm hai đối tượng được mua nhiều nhà tại Việt Nam là người có vợ có chồng đang sống ở Việt Nam, và người có kỹ năng đặc biệt mà Nhà nước cần sẽ được mua nhiều nhà tại Việt Nam.
Từ năm 1991 đến 2009, trên địa bàn thành phố có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào thành lập hoặc góp vốn với tổng vốn đăng ký 32.000 tỷ đồng và hơn 50 tỷ USD.
Lượng kiều hối gửi qua Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm chiếm trên 50% so với cả nước. Kinh tế trong nước phát triển, uy tín của Việt Nam trên thế giới ngày càng được nâng cao, nhất là từ khi Việt Nam hòa nhập nền kinh tế thị trường, số lượng kiều bào trẻ, thế hệ thứ hai, thứ ba trở về quê hương ngày càng nhiều, mong muốn tìm cơ hội đầu tư, làm việc.
Nhu cầu có một căn nhà ngay trên quê cha, đất tổ của bà con là rất lớn và nguyện vọng của kiều bào không chỉ là muốn quay về định cư tại Việt Nam mà còn muốn đóng góp rất nhiều vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
(Theo Vietnam+)