Trang chủ » Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước

Việt Nam đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

(BXD) Việt Nam có hệ thống sông, suối nhiều… điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý tạo cho Việt Nam nguồn tài nguyên nước dồi dào từ nước mặt, nước ngầm và lượng mưa đáng kể hằng năm.

Từ thực tế này, những đánh giá về tài nguyên nước trước đây luôn cho rằng Việt Nam có tài nguyên nước dồi dào, không lo thiếu.


Người dân bản Mù Sang Cao đợi lấy nước rỉ ra từ lòng núi về sinh hoạt. (Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN)

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu với những số liệu cụ thể gần đây, cùng với hiện tượng cạn kiệt nguồn nước từ các dòng sông, từ nguồn nước mưa (do biến đổi khí hậu) đã cho thấy, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Suy kiệt nguồn nước – “SOS!”

Một hiện tượng dễ nhận ra trong những năm gần đây là sự suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hồ chứa trên cả nước. Cạnh đó là mùa mưa và lưu lượng mưa trở nên thất thường nên hạn hán hoặc úng ngập cục bộ xảy ra thường xuyên và trên diện rộng hơn. Sự suy kiệt và diễn biến thất thường của các nguồn tài nguyên nước phản ánh Việt Nam đã và đang đứng trước nguy cơ thiếu nước.

Theo bà trần Thị Huệ, trưởng phòng Quy hoạch – Quản lý khai thác tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và Môi trường, có nhiều nguyên nhân gây suy kiệt tài nguyên nước ở Việt Nam, nhưng chủ yếu nhất là do biến đổi khí hậu và khai thác quá mức tài nguyên nước.

Theo hệ thống quan trắc, lượng nước mặt của Việt Nam (chủ yếu chảy trên các dòng sông) vào khoảng hơn 80 tỷ m3.

Tuy nhiên, do Việt Nam nằm ở hạ nguồn nên 60% lưu lượng nước trên phụ thuộc vào thượng nguồn (nằm ngoài Việt Nam). Những năm gần đây, do các nước vùng thượng nguồn xây dựng các công trình khai thác, phát triển thủy năng với quy mô lớn khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng cạn kiệt. Điển hình cho sự suy kiệt nguồn nước là 2 sông Mekong và sông Hồng.

Nguyên nhân thứ hai là do khoảng 15 năm trở lại đây, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, bên cạnh việc phát triển thủy điện làm giảm mực nước chảy trong hệ thống sông, suối thì hiện tượng các khu công nghiệp, các nhà máy, các khu đô thị… xả nước thải chưa qua xử lý xuống hệ thống sông, hồ đã gây ô nhiễm nguồn nước trên diện rộng, thậm chí ngấm xuống cả tầng nước ngầm dẫn đến nhiều vùng có nước nhưng không sử dụng được vì bị ô nhiễm.

Thứ ba là do hiện tượng biến đổi khí hậu làm cho lưu lượng mưa trong các mùa giảm rõ rệt.

Vài năm gần đây, mùa mưa thường kết thúc sớm và đến muộn gây hạn hán tại nhiều vùng trên cả nước. Đặc biệt việc cạn kiệt nguồn nước thể hiện rõ nhất trong năm nay, khi cả 3 vùng là Đồng bằng sông Cửu Long, miền trung, Tây Nguyên và đồng bằng Bắc bộ đều gặp hạn.

Theo bà trần Thị Huệ, một nguyên nhân không kém quan trọng là do tài nguyên rừng bị tàn phá quá nhiều, mất khả năng giữ nước cả trên bề mặt lẫn tầng nước ngầm. Ngoài ra, các hiện tượng xả chất thải công nghiệp, nước thải đô thị làm ô nhiễm nguồn nước, sử dụng lãng phí và khai thác nước ngầm quá mức tại các đô thị đã đến mức báo động.

Theo đánh giá của Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện tượng cạn kiệt nguồn nước và nguy cơ thiếu nước của Việt Nam là có cơ sở. Do đó, cần thiết phải có chiến lược quy hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả và đồng thời bảo vệ tài nguyên nước đảm bảo phát triển kinh tế.

Bảo vệ tài nguyên nước sẽ là mục tiêu quốc gia


Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phạm Khôi Nguyên, sau “cơn sốt” của tài nguyên đất, tới đây sẽ sốt đến tài nguyên nước. Do đó, việc phải lên kế hoạch, quy hoạch để quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước là việc làm cấp bách hiện nay.

Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, bộ này đang trong giai đoạn hoàn tất Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước để trình Chính phủ phê duyệt.

Chiến lược sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước, tập trung vào 13 lưu vực sông ưu tiên. Nhóm ưu tiên cao nhất là các lưu vực sông Hồng-Thái Bình, sông Đồng Nai và Cửu Long; nhóm ưu tiên thứ hai gồm các lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Srê pok, Sê San và sông Mã; nhóm thứ ba gồm lưu vực các sông Cả, Gianh, trà Khúc, Kôn, Ba.

Theo các nội dung trong chiến lược, mục tiêu giai đoạn I (từ 2011- 2015), 100% các lưu vực sông nhóm ưu tiên cao nhất và 50% lưu vực nhóm hai và ba hoàn thành việc xây dựng và quy hoạch phân bổ tài nguyên nước, kiểm soát, duy trì dòng chảy.

Cạnh đó, 100% hồ chứa thủy điện vừa và lớn vận hành điều tiết nguồn nước đảm bảo duy trì dòng chảy ở vùng hạ du. 100% các lưu vực sông ưu tiên có quy trình vận hành liên hồ chứa.

Giai đoạn II, 100% các lưu vực sông ưu tiên hoàn thành việc thực hiện phân bổ tài nguyên nước và các lưu vực sông liên tỉnh được xác định, công bố và kiểm soát duy trì dòng chảy. Đồng thời, đối với việc sử dụng tài nguyên nước, giai đoạn này sẽ triển khai nhân rộng các mô hình quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm tổn thất tài nguyên nước, tăng cường khả năng trữ nước.

Đối với khu vực đô thị và khu vực kinh tế sử dụng nước, Chương trình sẽ xây dựng các mô hình quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và giảm tỷ lệ tổn thất nước, tái sử dụng nước để áp dụng vào thực tế tại 10 công trình thủy lợi, 5 đô thị lớn và mô hình thí điểm tái sử dụng nước tại 5 doanh nghiệp sử dụng nước trọng điểm.

Cùng với các nội dung trên, chương trình cũng sẽ xây dựng các mô hình thí điểm nhằm tăng cường khả năng trữ nước, bổ sung nhân tạo nước dưới đất để áp dụng tại 10 điểm khan hiếm nước ở vùng Nam trung bộ và Tây Nguyên.

Theo dự thảo, Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ tài nguyên nước sẽ được thực hiện từ năm 2011 đến 2020 và được chia thành 2 giai đoạn (2011-2015 và 2015-2020). Mỗi giai đoạn của chương trình cùng với các dự án cụ thể sẽ được gắn kết với các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia./.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.