Hàng trăm nghìn m2 đất bị vi phạm, lấn chiếm. Rất nhiều hồ, ao nằm cả trong và ngoài khu dân cư bây giờ chỉ còn trong ký ức vì đã bị san lấp trái phép để làm nhà, xưởng. Chính quyền địa phương lúng túng không thể giải quyết, còn ngay cả chủ tịch xã cũng đã từng xin nghỉ nhưng không được vì bó tay trước các vi phạm về đất đai. Thực trạng trên là ở xã Ninh Sở, huyện Thường Tín.
Biến đầm thành đất ở
Dẫn chúng tôi đi khảo sát, một người dân địa phương chỉ về phía ngoài đê ngao ngán cho biết, cách đây ít năm thôi, nơi này vẫn là khu đầm rộng mênh mông, thế mà thoáng chốc đã bị san lấp, lấn chiếm để làm nhà. Chỉ còn một phần diện tích đầm rất nhỏ tại đây, nhưng cũng đang bị “xâm thực” dần bởi những ngôi nhà tạm được đổ đất xung quanh. Đấy là ở ngoài đê, chứ 3 đầm “chẳng may” nằm trong khu dân cư gồm đầm Chi bộ, đầm Dẹt và đầm Hồng “vì không còn giá trị canh tác” thì đã được biến thành nhà, xưởng từ lâu rồi.
Theo báo cáo của xã Ninh Sở, tổng hợp các vi phạm liên quan đến đất đai tính đến tháng 5/2008 là hơn 477.000 m2 , với 426 hộ vi phạm. Cụ thể có 17 hộ bán đất trái thẩm quyền hơn 3.700m2 ; 123 hộ lấn chiếm gần 28.000 m2 ; 179 hộ sử dụng sai mục đích hơn 40.000 m2 ; 107 hộ tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 375.600 m2 đất. Trong đó chỉ riêng từ 1/1/2008 đến 30/5/2008, có 14 gia đình đã kịp lấn chiếm và sử dụng sai mục đích gần 5.000 m2. Qua tìm hiểu được biết, sở dĩ số hộ và số đất công bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng, bị chuyển nhượng trái phép… lên tới hàng trăm nghìn m2 như vậy có một phần nguyên nhân từ sự tồn tại, không giải quyết dứt điểm của chính quyền địa phương những năm trước đây. Những tồn tại cũ chưa được giải quyết dứt điểm thì vi phạm mới lại phát sinh, trong khi chính quyền xã năng lực kém, lúng túng không tìm ra hướng giải quyết cụ thể, hoặc lại tham mưu cho cấp trên hợp thức hóa phần lấn chiếm… phù hợp với quy hoạch. Thực tế là năm 2001, xã Ninh Sở đã có hơn 480 hộ lấn chiếm đất công thì có đến 303 hộ được giải quyết theo Quyết định 1966 của UBND tỉnh Hà Tây, tức là được lập hồ sơ, đóng tiền và sau đó coi như đất hợp pháp.
Khi những người lấn chiếm tố nhau
Có lẽ nếu người ta cứ… âm thầm san lấp, lấn chiếm rồi sau đó dựng nhà để được đặt vào sự đã rồi thì chắc đến nay, những sai phạm về đất đai tại Ninh Sở vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, “cái kim trong bọc” bắt đầu lòi ra khi những hộ cùng trong cuộc… lấn chiếm lại không bằng lòng với nhau bởi kẻ lợi ít, người lợi nhiều, chia chác không sòng phẳng. Đó là trường hợp của hộ bà Nguyễn Thị Vinh và ông Phạm Văn Bính. Theo chủ tịch UBND xã Đặng Văn Phùng thì hai hộ này bàn nhau cùng lấn chiếm đầm Hồng nằm ngay sau trụ sở UBND xã từ năm 2004. Tuy nhiên, sau khi lấp đầm xong, bà Vinh được có 285 m2, trong khi ông Bính chiếm đến 2017 m2 nên dẫn đến kiện tụng. Hiện nhà ở, xưởng sản xuất đã được 2 hộ xây lên đất lấn chiếm, trong đó ông Bính xây tường bao dài 86 m và dựng nhà xưởng khoảng 1000 m2. Theo báo cáo số 16 ngày 19/1 của UBND huyện Thường Tín, hai hộ gia đình đã nộp tiền phạt về hành vi chiếm đất, riêng ông Bính đã khắc phục được một phần công trình vi phạm. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra thực địa thấy rằng, hoạt động sản xuất vẫn tiếp diễn với hệ thống nhà xưởng khá quy mô.
Ông Đặng Văn Phùng cho biết, UBND xã đã lên phương án cưỡng chế nhà xưởng của 2 hộ vi phạm là bà Vinh và ông Bính nhưng vẫn chưa thực hiện được vì còn hơn 100 hộ vi phạm tương tự tồn tại từ trước đến nay, xử lý như thế nào? Thế là lại dừng cưỡng chế phá dỡ và làm báo cáo trình, xin ý kiến chỉ đạo của huyện. Ông Phùng thừa nhận, công tác quản lý đất đai của xã còn yếu, xử lý vi phạm thì lúng túng, rất mong nhận được sự giúp đỡ của huyện và thành phố để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Ông chủ tịch xã cũng cho biết, đã quá mệt mỏi với những vụ việc này và đã từng xin lãnh đạo huyện Thường Tín cho nghỉ nhưng không được chấp thuận.
Rõ ràng để giải quyết những vấn đề phức tạp, kéo dài về vi phạm đất đai này, một mình xã Ninh Sở là không thể làm dứt điểm được. Đề nghị UBND huyện Thường Tín cần sớm có những chỉ đạo cụ thể, quyết liệt với những sai phạm ở đây, không để tái diễn tình trạng cố tình sai phạm, lấn chiếm để đặt các cơ quan chức năng vào sự đã rồi.
Bài, ảnh: T.Nghĩa