Với bản chất cách mạng, sự kiên định, vững vàng về chính trị, giai cấp công nhân nước ta là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp CNH, HÐH, là cơ sở chính trị – xã hội căn bản của Ðảng, chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp trực tiếp và to lớn vào sự phát triển chung của đất nước, góp phần tạo nên tầm vóc mới, thế và lực mới của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, giai cấp công nhân nước ta đang gặp không ít khó khăn. Một bộ phận công nhân, viên chức, lao động (CNVC-LÐ) trình độ học vấn, tay nghề thấp; kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn yếu. Ðào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động là một thách thức; vấn đề nhà ở cho CNVC-LÐ đang hết sức bức xúc; điều kiện và môi trường làm việc của người lao động chậm được cải thiện; tranh chấp lao động tập thể và đình công vẫn diễn ra phức tạp. Trong số gần 10 triệu CNVC-LÐ, mới có gần bảy triệu người tham gia công đoàn. Hơn 30% số doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn và Ðiều lệ Công đoàn, nhưng vẫn chưa thành lập được tổ chức công đoàn cơ sở. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng tới đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn… Trong tình hình suy thoái kinh tế thế giới hiện nay, thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, các giải pháp của Chính phủ nhằm tập trung mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; trong đó mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế, đòi hỏi CNVC-LÐ và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa bản chất của giai cấp công nhân và truyền thống yêu nước, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, kiến thức văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp, nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, lao động có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Nghị quyết T.Ư 6 của Ðảng (khóa X) chỉ rõ những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và giải pháp xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh. Kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Ðảng Cộng sản Việt Nam. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới đất nước. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Ðảng, của tất cả các giai cấp, các tầng lớp xã hội trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc – động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước, đồng thời tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế với giai cấp công nhân trên toàn thế giới. Chiến lược xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh cần gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, CNH, HÐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của CNVC-LÐ. Ðào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho CNVC-LÐ, trí thức hóa giai cấp công nhân là một nhiệm vụ chiến lược. Ðặc biệt quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ có học vấn, chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh gắn liền với xây dựng Ðảng, Nhà nước, Công đoàn trong sạch, vững mạnh. Công đoàn các cấp cần không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên, CNVC-LÐ làm đối tượng vận động, chuyển mạnh hoạt động vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVC-LÐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể và người sử dụng lao động bồi dưỡng đội ngũ CNVC-LÐ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, rèn luyện tác phong công nghiệp, xây dựng đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng đơn vị, doanh nghiệp và đất nước, giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống của người lao động. Các cấp công đoàn cần vận động CNVC-LÐ tích cực tham gia xây dựng Ðảng, chính quyền, tổ chức công đoàn trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, tập trung làm tốt công tác thành lập mới tổ chức công đoàn cơ sở và Chương trình phát triển 1,5 triệu đoàn viên trong thời gian tới… Thiết thực kỷ niệm Ngày Toàn thắng 30-4, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, Ngày quốc tế Lao động 1-5 và Ngày sinh Bác Hồ 19-5, CNVC-LÐ và công đoàn các cấp cần nhận thức rõ hơn nữa vị trí, trách nhiệm của mình để tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở từng cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng. |