Đường bờ biển dài 3.260km cùng 112 cửa sông ra biển là điều kiện thuận lợi để hình thành hệ thống cảng biển rải đều suốt từ Bắc tới Nam của nước ta. Tuy nhiên, vận tải thuỷ phát triển chưa tương xứng với lợi thế đó. Đón lõng thị trường sửa tàu vừa và nhỏ Đó là mục tiêu trước mắt của Cty CP đóng tàu Tuấn Long. Anh Nguyễn Văn Điển – Chủ tịch HĐQT Cty cho biết: “Lượng tàu vừa và nhỏ đang phát triển ồ ạt. Khoảng 3 năm nữa những tàu này sẽ đến thời hạn bảo dưỡng. Việc bảo dưỡng tốt nhất là thực hiện trong ụ tàu thì chất lượng mới đảm bảo. Mặt khác, việc bảo dưỡng tàu vẫn đảm bảo thu nhập cho Cty mà không phải sử dụng nhiều tiền vốn đang là vấn đề nan giải của nhiều Cty đóng tàu biển”. Mặc dù, chiếc âu tàu đang xây dựng với chiều dài 147m của Cty có công suất thiết kế có thể đóng tàu có trọng tải tới 13 nghìn tấn. Cty Tuấn Long có địa chỉ tại thôn Ngô Yến, An Hồng, An Dương, Hải Phòng với vị trí khá tốt cho việc xây dựng xưởng đóng tàu và cầu cảng để khai thác vận tải, bốc xếp hàng hoá. Bờ Đông của Cty tiếp giáp sông Cấm có chiều dài 200m, ngay dưới chân cầu Kiền thuận lợi trong giao thông thuỷ. Còn phía Tây giáp đường cấp phối, phía Bắc tiếp giáp đường 351 dễ dàng cho vận tải đường bộ. Xưởng gồm 1 ụ tàu, 1 đường triền dọc dài 83m, rộng 14,4m và 3 đường triền ngang dài 55m, cùng nhà xưởng và các bãi lắp ráp phục vụ đóng, sửa tàu cùng một cầu cảng. Ngoài ra Cty còn dành một khu để xây dựng lò luyện sắt, thép phục vụ trực tiếp cho việc sửa chữa, đóng tàu và cung cấp ra thị trường. Anh Nguyễn Tuấn Linh – Giám đốc Cty cho hay: Khi lò luyện thép được xây dựng và đi vào hoạt động chúng tôi mới nhận đóng tàu theo phương thức “chìa khoá trao tay” vì nó đòi hỏi nguồn vốn lớn và phụ thuộc vào thị trường sắt thép nên rất bấp bênh. Con tàu đóng ban đầu có khi tính có lãi nhưng khi giá nguyên vật liệu lên lại hoá lỗ nặng. Do đó, chỉ khi chủ động được về nguồn nguyên vật liệu thì mới có thể đóng tàu theo phương thức này được chứ chúng tôi không dám làm liều. Hiện Cty chỉ đảm nhiệm thi công, còn nguyên liệu chủ tàu chủ động cung cấp. Anh Linh cho biết thêm: Khi xưởng hoàn thiện, mỗi năm chúng tôi có thể sửa chữa tại ụ tàu hai tàu trọng tải 10.000 tấn hoặc ba tàu trọng tải 6.500 tấn. Đường triền thì sửa chữa 5 tàu trọng tải 3.200 tấn. Còn việc đóng mới mỗi năm xưởng có thể hoàn thiện 4 tàu biển có tải trọng 3.200 – 4.500 tấn trên đường triền. Bằng phương pháp đóng các phân tổng đoạn Cty có thể đóng mới 3 tàu có tải trọng từ 5.300 tấn trong ụ tàu. Được biết, tuy mới thành lập nhưng Cty đã đóng mới và nâng cấp trên triền đà 6 tàu S1 loại 1.000 tấn, 1 tàu biển quốc tế tải trọng 3.000 tấn cấp hạn chế và 2 tàu biển tải trọng 3.200 tấn. Cty cũng rất tích cực trong hoạt động từ thiện tại địa phương. Phát huy lợi thế Cùng nằm bên dòng sông Cấm, đơn vị có thâm niên trong ngành đóng tàu biển, đó là Cty Chế tạo thiết bị và đóng tàu Hải Phòng trực thuộc TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), địa chỉ tại Km6 QL5 Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng. Trước Cty chỉ sửa chữa và đóng mới tàu có tải trọng nhỏ dưới 1.000 tấn tại khu A của Cty có diện tích khoảng 8ha. Đây là khu chế tạo kết cấu thép để thực hiện hai chức năng chính là chế tạo kết cấu thép và đóng mới sửa chữa các loại tàu nhỏ. Tại đây có một cầu tàu cho tàu tải trọng 3.000 tấn. Trên cầu chính lắp một cần cẩu sức nâng 50 tấn. Qua nghiên cứu thị trường hiện nay, nhận thấy việc đóng những tàu có tải trọng từ 5.000 – 7.000 tấn là rất phù hợp với tuyến đường biển của nước ta, LILAMA đã quyết định đầu tư xây dựng tại 1 âu sửa tàu. Âu này có thể đóng mới tàu có tải trọng lên tới 13.000 tấn tại khu B có diện tích khoảng 1ha, với một mặt tiếp giáp với sông Cấm dài khoảng 200m. Âu tàu được thế kế kỹ thuật bởi Cty Tư vấn xây dựng cảng đường thuỷ TEDI. Cách đầu tư này ngoài sửa chữa, đóng mới cung cấp tàu ra thị trường, Cty cũng tận dụng được cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong việc đóng tàu hiện có, đồng thời nâng cao chất lượng đội tàu phục vụ vận tải nguyên vật liệu, sản phẩm, thiết bị máy móc và kết cấu thép chuyên dụng sản xuất… cho các đơn vị trong Cty. Được biết, LILAMA đang có kế hoạch nâng cao tay nghề chuyên môn cho đội ngũ công nhân của Cty để có thể đảm nhiệm sửa chữa và đóng mới những tàu tải trọng tới vài ngàn tấn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng trong và ngoài nước theo tiêu chuẩn quốc tế. Để làm được điều này nhà máy cần phải được đầu tư thêm một số thiết bị đặc chủng, mạng kỹ thuật và các công trình thuỷ phục vụ nâng hạ trong dây chuyền công nghệ đóng tàu. |