|
KTĐT – “Phạt 300 triệu đồng đối với công trình xây dựng vi phạm là nhà ở riêng lẻ đô thị và công trình xây dựng khác không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình; phạt 500 triệu đồng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình…”
Mức phạt này được quy định cụ thể trong Thông tư số 24/2009/TT-BXD ngày 22/7/2009 của Bộ Xây dựng, quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/2/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh BĐS; khai thác, sản xuất, kinh doanh VLXD; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/2009..
Ngoài những vi phạm được quy định tại Nghị định số 23/2009/NĐ-CP, Thông tư này còn bổ sung một số vi phạm sau: Thay đổi vị trí xây dựng công trình; sai cốt nền xây dựng công trình; vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; sai diện tích xây dựng (tầng một); chiều cao công trình vượt quá chiều cao được quy định trong giấy phép xây dựng; xây dựng vượt quá số tầng quy định trong giấy phép xây dựng; vi phạm những quy định về quản lý kiến trúc đô thị (đối với những khu vực đã có thiết kế đô thị được duyệt); thay đổi kết cấu chịu lực chính, kiến trúc mặt đứng công trình; vượt quá chiều cao tối đa được duyệt; thay đổi mục đích sử dụng ban đầu được duyệt; sai mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất so với thiết kế được thẩm định, phê duyệt hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt…
Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính của chủ đầu tư, nhà thầu tham gia dự án đầu tư xây dựng công trình là 2 năm kể từ ngày dự án được bàn giao đưa vào sử dụng.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cơ quan phụ trách Website của Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm biên tập và đăng tải nội dung quyết định xử phạt. Nội dung đăng tải gồm: tên tổ chức, cá nhân vi phạm; nội dung vi phạm; hình thức xử phạt, mức phạt; biện pháp khắc phục hậu quả…
Theo Báo Xây dựng