Sau gần ba năm thực hiện Luật nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc 5 nhóm đối tượng, được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Điều này đang hạn chế chính sách thu hút nhân tài của Đảng và Nhà nước ta. Quốc hội sáng nay họp phiên toàn thể tại hội trường. Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, nêu lý do cần sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai. Luật Nhà ở hiện hành không khuyến khích được Kiều bào Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, luật hiện hành mới chỉ cho phép 5 nhóm đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong khi còn nhiều kiều bào khác vẫn không được sở hữu nhà ở. Ông Quân nói: “Sự hạn chế này đã không khuyến khích các đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về Việt Nam làm việc”. Cụ thể theo Điều 126 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam) phải thuộc 5 nhóm đối tượng: người về đầu tư lâu dài; người có công với đất nước; nhà văn hoá, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam và người được phép cư trú tại Việt Nam từ sáu tháng trở lên thì mới được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều kiều bào có quốc tịch Việt Nam, những chuyên gia có kỹ năng, chuyên môn đặc biệt, những người kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước, nhưng do không thuộc 5 nhóm đối tượng nêu trên, nên cũng không được sở hữu nhà ở. Theo quy định của Luật Quốc tịch năm 2008 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm hai loại đối tượng, đó là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn và sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng hơn 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong số đó có khoảng 70% vẫn còn quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam), 30% còn lại là người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần ba năm triển khai thực hiện Luật nhà ở, thì mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trong đó, chủ yếu là những đối tượng thuộc diện về Việt Nam đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật nhà ở. Cũng theo Tờ trình, quy định về điều kiện để được sở hữu nhà ở là chưa rõ ràng, chưa cụ thể, nên các cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn khi xác định thế nào là về đầu tư lâu dài, về hoạt động thường xuyên và có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam. Theo pháp luật về đầu tư, chỉ có hình thức đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, không có hình thức đầu tư lâu dài. Những đối tượng là nhà văn hoá, nhà khoa học, việc xác định điều kiện có nhu cầu về Việt Nam hoạt động thường xuyên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đối với những người về sống ổn định tại Việt Nam thì đã trở thành công dân ở trong nước, nên họ cũng không thuộc diện phải thực hiện các quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở. Tại khoản 2 Điều 126 quy định: người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở. Tuy nhiên, sau gần ba năm thực hiện, chưa có trường hợp nào thuộc diện này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bởi vì pháp luật về xuất, nhập cảnh của Việt Nam chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trong thời hạn tối đa là ba tháng, sau đó nếu họ có nhu cầu thì sẽ tiếp tục được gia hạn. Hiện nay, nhiều trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài có tham gia hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, không cư trú thường xuyên mà đi về Việt Nam nhiều lần trong một năm, mỗi lần ở Việt Nam không quá sáu tháng, nên cũng không được sở hữu nhà ở.
Ông Quân cho biết, tại các buổi gặp gỡ với kiều bào trong các chuyến thăm chính thức nước ngoài của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhiều Kiều bào đã bày tỏ nguyện vọng cho rằng Nhà nước ta cần mở rộng hơn nữa về đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt là những người có quốc tịch Việt Nam. Điều này phù hợp với chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời sẽ khuyến khích được nhiều hơn nữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước làm việc và đóng góp cho quê hương. Bên cạnh đó, năm 2008 Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết số 19/2008/QH12 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó quy định mở rộng hơn đối tượng so với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thì Nhà nước cũng nên nghiên cứu, sửa đổi Điều 126 của Luật nhà ở để bảo đảm sự hài hoà, hợp lý và công bằng trong vấn đề sở hữu nhà ở giữa bà con kiều bào với cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, do Điều 126 Luật nhà ở và Điều 121 Luật đất đai đều có quy định về đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, giữa Luật nhà ở và Luật đất đai có quy định khác nhau về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Điều 129 Luật nhà ở, chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền cho thuê và uỷ quyền quản lý nhà ở, nhưng theo Điều 121 Luật đất đai thì đối tượng này lại không được quyền cho thuê và uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Do đó, cần phải trình Quốc hội sửa đổi cả Điều 121 Luật đất đai để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa hai văn bản luật, đồng thời giúp cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng áp dụng và tránh phải chờ Luật đất đai sửa đổi mới có thể thực hiện được. Như vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai để phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất về pháp luật, sự hài hoà và hợp lý về quyền sở hữu nhà ở giữa người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài là “hết sức cần thiết”. Tạo điều kiện thuận lợi và giúp kiều bào yên tâm khi trở về quê hương làm ăn, sinh sống, tham gia cống hiến, xây dựng đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân nói.
Về điều kiện để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, dự án Luật sửa đổi quy định cả hai loại đối tượng nêu trên chỉ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên (tức là phải có giấy tờ do cơ quan công an của Việt Nam cấp, trong đó ghi rõ thời hạn cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên) và chỉ được sử dụng nhà vào mục đích để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình. Ông Quân nói: “Quy định này hoàn toàn phù hợp với mục đích Luật nhà ở hướng tới, vừa phù hợp với Luật cư trú, loại trừ được những đối tượng phản động, chống phá đất nước khỏi diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vì diện này sẽ không được phép nhập cảnh vào Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định rõ mục đích của chính sách này là chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nhu cầu thực sự về chỗ ở được mua nhà để ở tại Việt Nam, không được mua nhà để kinh doanh; những trường hợp muốn hoạt động kinh doanh nhà ở thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và phải nộp các khoản thuế cho Nhà nước”. Liên quan đến nội dung của Điều 126 sửa đổi nêu trên, có ý kiến cho rằng, việc cho phép người vẫn còn quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà ở mà không cần phải có điều kiện gì là hơi rộng; có ý kiến đề nghị chỉ cho phép các đối tượng này được sở hữu một nhà ở tại Việt Nam để tránh hiện tượng đầu cơ, mua nhiều nhà ở; cũng có ý kiến cho rằng Dự án Luật cần quy định rõ các đối tượng này phải có thời gian cứ trú thực tế tại Việt Nam từ ba tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở. Về các ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân giải trình: Hiến pháp không có quy định phân biệt giữa công dân đang sinh sống ở trong nước với công dân đang sinh sống ở nước ngoài. Do đó, về nguyên tắc, những người được công nhận là công dân Việt Nam thì cũng có quyền ngang nhau trong vấn đề sở hữu nhà ở, vì vậy pháp luật về nhà ở cũng không nên có sự phân biệt này để tạo tâm lý yên tâm và khuyến khích bà con kiều bào về nước làm ăn, đóng góp cho quê hương. Tuy vậy, so với công dân ở trong nước thì đối tượng này cũng bị hạn chế hơn, đó là phải được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở, cũng như hạn chế về một số quyền đối với nhà ở so với công dân ở trong nước. Về số lượng nhà ở và thời gian cư trú tại Việt Nam, trong Luật đất đai (Điều 121) và Luật nhà ở (khoản 1 Điều 126), Quốc hội không có quy định hạn chế các nội dung này.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật đất đai. Theo đó, sẽ thêm hai quyền về sử dụng đất ở gắn với nhà ở, nhưng so với công dân Việt Nam ở trong nước thì các đối tượng này bị hạn chế hơn hai quyền, đó là quyền góp vốn và quyền bảo lãnh bằng tài sản là nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Để sớm đáp ứng nguyện vọng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của bà con kiều bào, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương triển khai thực hiện, Chính phủ đề xuất Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2009. Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật nhà ở và Điều 121 của Luật đất đai là hết sức quan trọng và cần thiết, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích các nhà đầu tư, nhà khoa học, những người có tài năng về đóng góp cho đất nước, đồng thời thể hiện sự nhất quán trong chủ trương của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
|