Bài toán tỷ giá từ nay đến cuối năm

Hiện tại hầu như mọi giao dịch mua bán đồng USD trên thị trường tự do vượt xa mức tỷ giá 18.000 VND/USD, tỷ giá công bố của Nhân hàng nhà nước ngay 12-11-2009 là 17.022 VND/USD, trong khi bên ngoài thị trường có lúc đã vượt 19.000VND/USD, tuy đồng USD tăng giá mạnh so với VND như vậy nhưng doanh số giao dịch USD trong hệ thống liên ngân hàng chỉ đạt từ 300-400 triệu USD/ngày. Lý giải cho sự tăng liên tục của tỷ giá trong vòng 3 tháng qua được cho là do những nguyên nhân sau:

1. Ảnh hưởng gián tiếp của gói kích cầu:

Tính đến thời điểm cuối tháng 10-2008, tổng số giải ngân cho gói hỗ trợ lãi suất 4% là 412.100,7 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 483.200 tỷ đồng. Một lượng tiền lớn như vậy đã được các tổ chức kinh tế vay từ các ngân hàng thương mại phục vụ sản xuất, kinh doanh đẩy tăng trưởng tính dụng trong 10 tháng năm 2009 lên đến 33,29% – vượt dự báo 30% cho năm 2009, và không loại trừ một lượng tiền được dùng để đảo nợ tại các ngân hàng làm tỷ lệ nợ xấu trong tháng 10 tại các ngân hàng thương mại giảm còn 2,46%. Tất nhiên, nguồn cung tiền dồi dào như vậy, rõ ràng gây nên áp lực mất giá đồng nội tệ (VND) so với những đồng tiền khác (tính từ đầu năm 2009 đến nay,VND giảm giá so với các đồng USD, EUR, AUD, CAD, GBp, CHF lần lượt là 2,1%;11,7%;35%;20%;18,5%;10,2%).

2. Nhập siêu

Với cơ cấu giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam: Nguyên liệu đến 80% là nhập khẩu thì nhu cầu nhập khẩu là rất lớn. Số liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu 10 tháng 2009 là 46,336 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu đã là 55,119 tỷ USD, vậy nhập siêu đã gần con số 9 tỷ USD (Dự kiến nhập siêu của năm 2009 là hơn 12 tỷ USD), kết hợp với lương VND đang nằm tại các doanh nghiệp cùng nhu cầu mua USD để thanh toán hàng nhập khẩu gây nên sự mất giá của VND trong thời gian qua.

3. Dự trữ ngoại hối

Theo báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội thì đến thời điểm hiện tại, dự trữ ngoại hối đáp ứng cho 12 tuần nhập khẩu, tính toán với con số nhập khẩu từ đầu năm đến nay chúng ta có thể ước tính con số dự trữ ngoại hối vào khoảng 16,2-17 tỷ USD giảm gần 5 tỷ USD so với con số 22 tỷ USD công bố cuối năm 2008.

trong khi đó giải ngân ODA đến đầu tháng 10.2009 là 1,715 tỷ USD; Dự báo kiều hối năm 2009 là khoảng 6,8 tỷ USD (năm 2008 là 7,2 tỷ USD); Đến tháng 10.2009 giải ngân FDI được 7,2 tỷ USD, vốn đầu tư gián tiếp FII (theo VAFI ) khoảng 5 tỷ USD. Chính quan hệ giữa nguồn cung và nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đã đẩy tỷ giá luôn ở “trần” so với công bố hàng ngày của Ngân hàng Nhà nước.

4. Nghịch lý và lời giải:

trong khi các nước có dự trữ ngoại hối là đồng USD đang có xu hướng chuyển đổi mạnh tài sản từ dự trữ USD sang dự trữ vàng hoặc những đồng ngoại tệ khác, khiến đồng USD mất giá mạnh trên thị trường tiền tệ thế giới thì ở nước ta lại ngược lại. Điều này chứng minh khi giá vàng tăng “choáng” lên trên 1.100 USD/ounce, dự báo sẽ cán mức 2.000 USD/ounce; Đồng thời, giá các đồng EUR, NDT, Yên, AUD, CAD đều đồng loạt tăng giá mạnh so với USD.

Lời giải cho điều hành tỷ giá chính là sử dụng các công cụ điều hành tỷ giá một cách linh hoạt:

– Tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối, kéo giãn thời hạn trả nợ nước ngoài, giảm đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, tranh thủ giải ngân các nguồn ODA.

– phát hành trái phiếu quốc tế (hiện nợ của chính phủ là 44,6% GDp); khéo léo kết hợp các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc để gia tăng dự trữ ngoại hối hợp lý.

– Sử dụng các công cụ phái sinh mua USD trên thị trường tiện tệ quốc tế.

– trong các giải pháp trên, phát hành trái phiếu quốc tế được cho là ưu thế nhất, bởi chi phí vốn vay USD thấp trong bối cảnh hiện tại.

Điều này thuận lợi cho việc gia tăng nguồn vốn quốc gia với “giá vốn” rẻ, giúp cho việc thực thi các chính sách tiền tệ của chính phủ đạt được mục tiêu đề ra.

The TỐNG QUANG
(Ngân hàng Quân Đội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *