Chuyện từ đền thờ người anh hùng Khúc Thừa Dụ





Không hiểu sự trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý của  người đời mà ngôi đền hoành tráng thờ người đánh dẹp thành Đại La – Đông Bình dựng nền độc lập đầu tiên cho nước Việt từ thế kỷ thứ X nay lại được những người con của Hà Nội xây dựng. Đến tượng đồng ba thế hệ họ Khúc đặt trong đền cũng lại do thợ đúc làng Ngũ Xã làng nghề nổi tiếng đất Hà thành thực hiện…




Ngôi đền trong ngày khánh thành.


Mười năm trước, tôi lần về làng Gộc xứ Cúc Bồ không phải để đi tìm dấu vết họ Khúc, mà là vì có vụ đào được cả một ao tượng gỗ. Do dân dỡ chùa làm nhà kho HTX nên đem tượng cất dưới… ao làng, nay lại đào lên đem về thờ. Chuyện ấy không hấp dẫn mấy mà tôi đã nghe một câu chuyện khác, lớn hơn về tầm vóc và ý nghĩa lịch sử nhân văn, ấy là chuyện người anh hùng quê làng Cúc Bồ này là người đầu tiên khởi dựng nền độc lập cho đất nước hiện chưa có nơi thờ tự xứng đáng. Đem chuyện này nói với ông Oanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, rồi ông Đặng Việt Cường, Giám đốc Sở Văn hóa… Ai cũng thấy như có lỗi và chưa phải với tiền nhân vì chưa có ngôi đền thờ xứng với tầm vóc người anh hùng.


Người anh hùng Khúc Thừa Dụ từ năm đầu thế kỷ X là một hào trưởng đất Hồng Châu đã dấy binh cùng nhân dân Đại Việt đứng dậy quyết định vận mệnh đất nước bao năm dưới ách đô hộ phương Bắc. Nghĩa binh của ông đã đánh úp thành Tống Bình (Hà Nội), tự xưng là Tiết độ sứ, xoá bỏ bộ máy cai trị cũ để giành độc lập. Lịch sử ghi nhớ công lao Khúc Thừa Dụ như một người đặt cơ sở cho nền độc lập của Đại Việt sau nghìn năm bị đô hộ. Ông là người khoan hoà, có lòng thương người, được nhân dân suy tôn. Sau khi  mất (năm 907), ông được nhân dân tôn vinh gọi là Tiên chúa.


Nếu người cha Khúc Thừa Dụ là người mở nền độc lập thì Khúc Hạo là người kế nghiệp cha cải cách canh tân đất nước. Nối chí tiền nhân, Khúc Hạo lúc này cũng được phong là Tiết độ sứ đã tiếp tục củng cố nền độc lập non trẻ, đồng thời tiến hành nhiều cải cách quan trọng về các mặt dựa trên quan điểm “chính sự cốt chuộng khoan dung giản dị, nhân dân đều được an vui…” (Việt sử thông giám cương mục). Đó rõ ràng là một nền chính trị thân dân. Nó chứng tỏ bất kỳ một phong trào dân tộc chân chính nào cũng có một nội dung dân chủ. Khúc Hạo lên ngôi sửa lại chế độ tô dịch, lập hộ khẩu, cắt cử giáp trưởng coi sóc việc chung… Lịch sử Việt Nam mở đầu là cuộc cải cách của Khúc Hạo là độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất đất nước. Công cuộc xây dựng Nhà nước tự chủ thống nhất của Khúc Hạo mở ra thời kỳ phát triển mới của xã hội Việt Nam. Năm 917 Khúc Hạo mất, con trai là Khúc Thừa Mỹ lên thay. Năm 930 quân Nam Hán sang xâm lược, Khúc Thừa Mỹ bị bắt, thành Đại La bị giặc chiếm, kết thúc triều đại họ Khúc kéo dài 25 năm oanh liệt, một triều đại được xem là đã đặt nền móng cho nền độc lập về sau…


Việc người Hải Dương dựng đền thờ anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ, một công trình văn hoá lịch sử lớn bên bờ sông Luộc là hành động tôn vinh người có công với đất nước hơn nghìn năm trước. Việc làm ấy hợp lòng người, chả thế mà lễ khởi công năm 2005, rồi lễ khánh thành đúng ngày giỗ thứ 1102 (23/7 năm Kỷ Sửu – 2009) của vị Tiên chúa, nhân dân cả vùng cả tỉnh kéo về làng Cúc Bồ đông hơn mở hội.


Còn nhớ ngày khởi công vào đầu Thu năm 2005, trước giờ làm lễ mấy tiếng đồng hồ trời đương yên bỗng sấm nổ ầm ầm, mây đen vần vũ rồi mưa như trút nước. Cả vùng đất nơi sắp làm lễ ngập nước, nhà bạt bay tứ tán. Thế rồi đúng giờ khai mạc, trời lại xanh trong, đất rút sạch nước, lán che lại được dựng lại như không hề có trận cuồng phong vừa xảy ra. Buổi lễ long trọng diễn ra. Sự kiện ấy các nhà nghiên cứu bảo là sự lành.


Công trình tôn vinh người anh hùng dân tộc được xây dựng trên diện tích gần 60 nghìn m2 với vốn đầu tư 38 tỷ đồng, do Cty TNHH Mỹ thuật Hà Nội đảm nhiệm thi công. Điều trùng hợp là ông giám đốc Cty khi ấy lại là một… hậu duệ của Tiên chúa – ông Khúc Quốc Ân. Ông Ân là người Hà Nội, ông được giao dựng ngôi đền thờ Khúc tiên chúa, người đánh thành Đông Bình – Hà Nội năm xưa mở đầu nền độc lập tự chủ. Và thêm một điều lạ nữa, người đúc những pho tượng đồng thờ ba thế hệ họ Khúc để thờ ở trong ngôi đền không ai khác lại là những thợ đúc làng Ngũ Xã nổi tiếng đất Hà thành. Ngôi đền lớn, kiến trúc mang nét cổ xưa, sân thềm lát đá xanh, hai bức phù điêu hoành tráng. Rồi sân hành lễ, giếng mắt rồng… Đây là một địa chỉ du lịch văn hoá hấp dẫn nay mai bên cạnh đền Tranh ở đất Ninh Giang.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *